Sunday 10 December 2017

CÂU CHUYỆN về CHỐNG TƯ TƯỞNG NHÂN QUYỀN (Eric Posner - The Guardian)


Eric Posner  -  The Guardian
Luật Khoa TC  -  10/12/2017

·         Nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2017, Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc bài báo “Chống tư tưởng nhân quyền” của dịch giả Trâm Huyền, dịch từ bài ” The case against human rights” của tác giả Eric Posner đã đăng trên tờ The Guardian số ra ngày 4/12/2014. Tựa bài, hình minh họa, và phân dòng là của người dịch.

--------------------

Tác giả Eric Posner là giáo sư trường luật đại học Chicago. Ông học Triết học ở đại học Yale trước khi tốt nghiệp ngành luật trường đại học Harvard. Posner chuyên nghiên cứu về luật quốc tế, đặc biệt trên nền tảng kinh tế học.

Posner thuộc vào nhóm các trí thức luật học luôn nghi ngờ sự cần thiết và tính hiệu quả của luật quốc tế cũng như các thiết chế (institution) quốc tế của ngành luật này, ví dụ như Tòa Công lý Quốc tế (International Court of Justice).

Giáo sư Eric Posner (Ảnh: law.columbia.edu)

Luật nhân quyền quốc tế không thoát khỏi cái nhìn đầy tính phê phán đó của Posner. Trong bài báo dưới đây, ông đặt thể chế luật nhân quyền quốc tế vào bối cảnh thực tế để trả lời những câu hỏi cụ thể: luật nhân quyền quốc tế từ đâu ra? Do ai quyết định, và do ai đem áp đặt cho cả thế giới, và áp đặt như thế nào? Và phần còn lại của thế giới có nhất thiết phải đồng ý với sự áp đặt ấy không?

Xem xét các luận điểm và cáo buộc của Posner, chúng ta được nhìn thấy luật nhân quyền qua một lăng kính khác, xám xịt hơn những tuyên ngôn hồng hào về bình đẳng và tự do mà những người ủng hộ nhân quyền thường sử dụng.

***

Những người biểu tình Anh tập trung bên ngoài phố Downing để phản đối phương Tây can thiệp vào cuộc nội chiến Syria với lý do nhân quyền (2013). Ảnh: Metro.co.uk - Getty

Tháng 7/2013, Amarildo de Souza, một người thợ gạch sống tại một khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, đã bị cảnh sát bắt giữ trong một chiến dịch truy bắt những kẻ buôn ma túy. Người ta không bao giờ thấy Amarildo trở lại. Nhiều người dân đã xuống đường tuần hành đòi giải thích tại sao Amarildo lại mất tích. Cảnh sát đàn áp họ một cách tàn bạo.
Thường thì câu chuyện sẽ kết thúc ở đó, tuy nhiên, áp lực từ công chúng khiến cho cảnh sát phải vào cuộc điều tra. Cuối cùng, mười nhân viên cảnh sát bị bắt do bị cáo buộc đã tra tấn rồi giết hại Amarildo.
Brazil, một trong những nền dân chủ lớn nhất trên thế giới, hiếm khi bị xếp vào danh sách những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Thế nhưng riêng tại Rio de Janeiro, mỗi năm đã có hơn một ngàn vụ cảnh sát giết người bất hợp pháp – nhiều khả năng là từ các vụ xử tử hình tại chỗ, theo tổ chức Human Rights Watch.
Quy định cấm giết người bất hợp pháp là một yếu tố then chốt của luật nhân quyền, song chính phủ Brazil lại vi phạm quy định này một cách trắng trợn – không phải về mặt chính sách, mà là trên thực tế.
Tệ nạn này hoàn toàn không chỉ xảy ra ở Brazil. Nó còn diễn ra ở Ấn Độ, nơi được xem là nền dân chủ lớn nhất thế giới, hay Nam Phi, Cộng hòa Dominica, rồi Iran. Tất cả các nước này đều có hệ thống tư pháp, và phần lớn các nghi phạm đều bị kết án đúng trình tự pháp lý và được đưa ra tòa. Tuy nhiên các hệ thống tòa án đều chậm chạp và thiếu thốn kinh phí, nên giới cảnh sát bèn sử dụng các biện pháp ngoài pháp luật – như tra tấn để ép nhận tội – dưới áp lực phải chiến đấu chống tội phạm.
Chúng ta sống trong một thời đại mà phần lớn các công ước nhân quyền lớn (có chín công ước quan trọng) đều đã được phê chuẩn tại rất nhiều quốc gia. Thế nhưng, có vẻ như nghị trình nhân quyền thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn.
Tại phần lớn các nước Hồi giáo, phụ nữ không có quyền bình đẳng, những người bất đồng ý kiến tôn giáo bị ngược đãi, và tự do chính trị bị giới hạn.
Mô hình phát triển kiểu Trung Quốc, vốn phối hợp đàn áp chính trị với mở cửa kinh tế, vẫn đang thu hút hàng loạt các nước đang phát triển trên thế giới.
Chủ nghĩa độc tài chính trị đang lớn mạnh tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Venezuela.

Những người ủng hộ chính phủ Venezuela đang giương cao ảnh Tổng thống Hugo Chavez trong một cuộc diễu hành tháng 8 năm 2017. Ảnh: Reuters

Phong trào chống đối quyền của cộng đồng LGBT (Người đồng tính, song tính và hoán tính – ND) đang hình thành ở nhiều nước, từ Nga cho đến Nigeria.
Những thế lực bảo vệ nhân quyền truyền thống – như châu Âu và Hoa Kỳ – thì lại đang loạng choạng. Châu Âu ngày càng hướng nội khi họ phải vật lộn với khủng hoảng nợ quốc gia, tinh thần bài ngoại chống các cộng đồng Hồi giáo, và cơn bất mãn với chính phủ Brussels.
Hoa Kỳ đã đánh mất phần lớn sức mạnh đạo đức của họ khi áp dụng chính sách tra tấn sau sự kiện 11/9 và vẫn tiếp tục giết thường dân bằng những chiếc máy bay không người lái.
Ngay cả những tệ nạn lâu đời, như nạn nô lệ, tới giờ vẫn tồn tại. Một báo cáo gần đây ước lượng có gần 30 triệu người đang bị ép lao động trái ý muốn.

Tình trạng đáng lẽ ra không phải như thế này.

Trong một thời đại mà tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tràn lan, thì diễn ngôn về nhân quyền vẫn tiếp tục nở rộ. Số lần cụm từ “nhân quyền” được sử dụng trong các sách tiếng Anh đã tăng 200 lần tính từ năm 1940. Cụm từ này cũng được dùng hằng ngày nhiều hơn gấp 100 lần so với các cụm từ như “quyền hiến pháp” hay “quyền tự nhiên”.
Dẫu người ta vẫn luôn phê phán chính phủ của họ, song chỉ mới trong các thập niên gần đây thôi thì con người mới bắt đầu phê phán chính phủ bằng cách sử dụng đặc ngữ nhân quyền.
Hoa Kỳ và châu Âu gần đây đã chỉ trích các vi phạm nhân quyền ở Syria, Nga, Trung Quốc và Iran. Các nước phương Tây thường quy định viện trợ nước ngoài đi kèm các điều khoản về nhân quyền và họ thậm chí còn can thiệp quân sự với lý do chống vi phạm nhân quyền.

Lính Mỹ tham chiến tại Iraq năm 2010. Ảnh: Warrick Page – Getty Images

Nhiều người tranh luận rằng việc tích hợp ý tưởng nhân quyền vào luật quốc tế là một trong những thành quả mang tính đạo đức vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Bởi vì luật nhân quyền trao quyền cho mọi người bất kể quốc tịch, nó tước đoạt khỏi các chính phủ đòn trả treo truyền thống mà họ thường đưa ra mỗi khi người nước ngoài phê phán họ vì họ hành hạ các công dân trong nước – chính là đòn trả treo về “chủ quyền” [sovereignty] (ngôn ngữ luật pháp hàm ý “không phải việc của các người”).
Vì vậy, luật nhân quyền quốc tế trao cho mọi người khả năng phòng vệ nhằm chống lại quyền lực nhà nước.
Thế nhưng thật khó để bác bỏ rằng các chính phủ vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền mà không hề bị trừng phạt.
Ví dụ, tại sao hơn 150 nước (trong 193 nước thuộc UN – Liên Hợp Quốc) vẫn có chính sách tra tấn? Tại sao số lượng các quốc gia độc tài vẫn tăng trong nhiều năm qua? Tại sao phụ nữ vẫn là một tầng lớp thấp hơn tại gần như mọi quốc gia trên thế giới? Tại sao trẻ em vẫn làm việc tại các hầm mỏ và nhà máy tại nhiều nước như thế?
Sự thật là luật nhân quyền đã thất bại trong việc đạt được các mục tiêu của nó. Có ít bằng chứng cho thấy các công ước nhân quyền nói chung, giúp cải thiện tình trạng phúc lợi của con người.
Lý do chính là vì nhân quyền không hề mang tính phổ quát như người ta hy vọng, và niềm tin rằng nhân quyền có thể được áp đặt lên các nước bằng luật quốc tế đã được xây dựng trên những giả định sai lầm ngay từ đầu.
Trong phong trào nhân quyền có một thứ gì đó gần giống như sự ngạo mạn của ngành kinh tế học phát triển (development economics). Ngành kinh tế này trong các thập niên qua đã cố gắng (và thất bại) trong việc làm giảm tình trạng đói nghèo bằng cách áp đặt các giải pháp từ trên xuống tại các nước đang phát triển.
Thế nhưng trong khi các nhà kinh tế học phát triển đã và đang cải cách phương pháp tiếp cận của họ, thì phong trào nhân quyền vẫn chưa nhìn nhận các thất bại của nó.

Đã đến lúc phải suy tính lại.

Cho dù khái niệm nhân quyền hiện đại xuất hiện trong thế kỷ 18, phải đến ngày 10/12/1948 câu chuyện mới thật sự bắt đầu khi mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights).

Bà Eleanor D. Roosevelt (chủ toạ Ủy ban soạn thảo) tại cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo về một dự luật nhân quyền quốc tế. Ảnh: UN

Tuy vậy, bản tuyên ngôn này không chỉ do Hoa Kỳ hoạch định. Nội dung của nó cho thấy ảnh hưởng của các truyền thống tư tưởng pháp lý khác thông qua việc nhìn nhận các quyền “xã hội” (social rights), ví dụ như quyền làm việc (right to work).
Ngay từ buổi đầu đã có nhiều khiếm khuyết làm suy yếu luật nhân quyền về sau. Tuyên ngôn quốc tế này không hề là một công ước theo nghĩa chính thức: chẳng nước nào lúc đó tin rằng tuyên ngôn này tạo ra các ràng buộc mang tính pháp lý (legally binding obligations).
Tuyên ngôn này không được các nước thông qua, mà được phê chuẩn bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong khi đó, Hiến chương Liên hợp quốc không trao quyền lập pháp quốc tế cho Đại hội đồng.
Hơn nữa, các quyền trong Tuyên ngôn đều được diễn tả bằng các từ ngữ mơ hồ, mang tính thể hiện khát vọng, vốn có thể được diễn giải bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, các chính phủ quốc gia – ngay cả các chính phủ của các nền dân chủ tự do – rất đề phòng việc tạo ra các ràng buộc mang tính pháp lý.
Hoa Kỳ đã không hề cam kết sẽ bãi bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc. Anh và Pháp cũng không hề cam kết sẽ trả tự do cho các dân tộc thuộc địa của họ.
Nhiều nước độc tài – bao gồm Liên Xô, Nam Tư và Ả Rập Saudi – từ chối bỏ phiếu thuận cho Tuyên ngôn Nhân quyền bằng cách không có mặt khi biểu quyết.

Các ngôn từ trong Tuyên ngôn Nhân quyền có thể đã gây xúc động, nhưng tại thời điểm đó, không có ai tin rằng các ngôn từ ấy sẽ mang lại một thay đổi lớn nào trong cách xây dựng các mối quan hệ quốc tế. Các ngôn từ của bản Tuyên ngôn cũng chẳng hề thu hút trí tưởng tượng của các cử tri, chính trị gia, giới trí thức – hay bất kỳ ai khác có thể có khả năng gây áp lực chính trị lên các chính phủ.

Eleanor Roosevelt và bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Ảnh: Wikicommon.

Một vấn đề nữa đến từ mối bất đồng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đó.
Hoa Kỳ tranh cãi rằng nhân quyền bao gồm các quyền chính trị – quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, quyền không bị bắt giữ tùy tiện, quyền thực hành tôn giáo đã lựa chọn, v.v. Các quyền này, chẳng tình cờ chút nào, đều là những quyền đã có trong Hiến pháp Mỹ.
Liên Xô thì lại tranh cãi rằng nhân quyền bao gồm các quyền xã hội và quyền kinh tế (economic rights) – quyền làm việc, quyền hưởng chăm sóc y tế và quyền được giáo dục.
Giống như với nhiều trường hợp khác trong Chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn này giữa hai bên là một mâu thuẫn một mất một còn.
Hoặc là ủng hộ quyền chính trị (theo đó, là ủng hộ dân chủ tự do – liberal democracy) hoặc là ủng hộ quyền kinh tế (theo đó, là ủng hộ chủ nghĩa xã hội – socialism).
Kết quả là tiến trình thương lượng để biến Tuyên ngôn Nhân quyền thành một công ước có tính ràng buộc đã bị chia làm hai nhánh.
Liên hiệp quốc phải mất 18 năm sau đó mới thông qua được một công ước về quyền chính trị (Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị – International Covenant on Civil and Political Rights) và một công ước về quyền kinh tế (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights) vào năm 1976.
Theo nhà sử học Samuel Moyn, trong cuốn sách The Last Utopia của ông, phải đến những năm cuối thập niên 1970 thì nhân quyền mới trở thành một thế lực mạnh trong quan hệ quốc tế.
Việc Tổng thống Mỹ Jimmy Carter chú trọng vào nhân quyền có vẻ là một phản ứng với tình trạng chiến tranh Việt Nam và với thứ chính trị hiện thực chủ nghĩa (realpolitik) ghê tởm của thời đại Nixon.

Ngày 1 tháng 6 năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter chuẩn bị ký Công ước châu Mỹ về Nhân quyền tại Washington. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, bản thân Carter lại không hề kiên định đường lối. Các đồng minh như Iran và Ả Rập Saudi quá quan trọng với an ninh Hoa Kỳ, và đã được xem là các đối trọng chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.
Dù gì thì đã có thay đổi dưới thời Carter. Cả năm người làm tổng thống theo sau ông ta – dù là người của đảng Cộng hòa hay của đảng Dân chủ – đều dùng cụm từ “nhân quyền” nhiều hơn vị tổng thống tiền nhiệm của mình.
Không phải là các vị tổng thống trở nên lý tưởng chủ nghĩa hơn. Lý do thực sự là họ càng lúc càng dùng nhiều thứ ngôn ngữ về các quyền để thể hiện các mục tiêu lý tưởng của họ (hoặc là để che giấu các mục tiêu chiến lược của họ).
Cho dù có các sự kiện như nạn diệt chủng kinh hoàng tại Rwanda năm 1994 và cuộc nội chiến tại Nam Tư, các năm thập niên 1990 vẫn được xem là một thời kỳ đỉnh cao của tư tưởng nhân quyền.
Liên Xô sụp đổ, các quyền kinh tế và quyền xã hội cũng dần mất đi những mối liên kết mang nhiều dị nghị với chủ nghĩa cộng sản, và trở thành một phần của luật hiến pháp tại nhiều nước phương Tây. Kết quả là mọi vấn đề lớn về chính sách công (public policy) đều được xem là định hình thông qua lăng kính nhân quyền.
Nhân quyền ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong Liên minh Châu Âu (EU), và các thành viên liên minh thời đó đều nhấn mạnh rằng nước nào muốn tham gia EU để hưởng các lợi ích kinh tế thì nên tôn trọng nhân quyền.
Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) được thành lập để thúc đẩy tư tưởng nhân quyền cũng lớn mạnh trong giai đoạn đó, và nhiều nước hình thành sau khi thoát khỏi ách kìm kẹp của Liên Xô cũng đã áp dụng các hệ thống hiến pháp phương Tây. Ngay cả Nga cũng đã có vài bước tiến ngập ngừng theo hướng này.

Một hình ảnh binh lính Mỹ tra tấn nghi phạm khủng bố sau vụ 11/9. Ảnh: Telegraph

Thế rồi ngày 11/9/2001 và “cuộc chiến chống khủng bố” xảy đến.
Việc Hoa Kỳ sử dụng tra tấn (ND: trong cuộc chiến này) là một thách thức lớn đối với cơ chế luật nhân quyền quốc tế.
Hoa Kỳ vốn là một nước có truyền thống hàng đầu về nhân quyền, và là một trong số ít các nước sử dụng quyền lực của nó để thúc đẩy tư tưởng nhân quyền tại các nước khác.
Hơn nữa, quy định cấm tra tấn là một trong những nòng cốt của thể chế luật nhân quyền; nếu ngay cả quyền không bị tra tấn cũng là một quyền không tuyệt đối, thì chắc hẳn các quyền khác cũng như vậy.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng làm suy yếu sức mạnh của tư tưởng nhân quyền.

Trong các năm gần đây, Trung Quốc đã rất cần mẫn hoạt động phía sau cánh gà để làm suy yếu các thể chế nhân quyền quốc tế. Trung Quốc đồng thời công khai bác bỏ các phê bình quốc tế về tình trạng đàn áp chính trị đối với công dân nước họ. Trung Quốc đồng thời cung cấp hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho các quốc gia vi phạm nhân quyền, ví dụ như Sudan – những quốc gia mà các nước phương Tây đã cố gắng cô lập.

Người biểu tình giăng áp phích “Trung Quốc là nỗi thống khổ của nhân loại”. Ảnh: Wikicommons.

Cùng với Nga, Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để ngăn chặn các nỗ lực của phương Tây trong việc thúc đẩy nhân quyền thông qua sức ép kinh tế và can thiệp quân sự.
Trung Quốc đã phối hợp với nhiều nước khác – các quyền lực mới trỗi dậy như Việt Nam, và các nước Hồi giáo vốn lo sợ ảnh hưởng thế tục hóa của phương Tây – để từ chối các giá trị cốt lõi mà nhân quyền muốn bảo vệ.
Hơn 150 nước đã thông qua cả sáu công ước quốc tế lớn về nhân quyền, tuy nhiên nhiều nước trong số đó vẫn rất thù địch với nhân quyền.
Điều này gợi lên một câu hỏi khó chịu: luật nhân quyền thực sự đã có ảnh hưởng đến hành vi của các chính phủ đến mức độ nào?
Không thể nghi ngờ rằng đúng là có những quốc gia đã tham gia các công ước nhân quyền và rồi thay đổi hành vi của họ.
Ví dụ, nhà khoa học chính trị Beth Simmons đã miêu tả ảnh hưởng rõ rệt của việc thông qua Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ tại các quốc gia như Nhật Bản và Colombia.
Vấn đề khó xử là làm cách nào để dung hòa một ví dụ như thế với rất nhiều ví dụ vi phạm nhân quyền trắng trợn khác.
Ả Rập Saudi thông qua công ước cấm việc phân biệt đối xử nữ giới năm 2007, thế nhưng luật pháp của họ vẫn hạ cấp nữ giới trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Tình trạng lao động trẻ em vẫn tồn tại ở các nước đã thông qua Công ước về Quyền trẻ em: Uzbekistan, Tanzania và Ấn Độ là các ví dụ.

Ural Rahul, 15 tuổi, đang phải làm việc tại một ga-ra sửa ô tô ở Ấn Độ vào ngày 12/6/2013, ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em. Ảnh: Caisii Mao – AFP

Các quốc gia quyền lực ở phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, vẫn làm ăn với các quốc gia xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Nói chung chung nhất thì thế giới đã trở nên tự do hơn cách đây 50 năm, nhưng nó đã trở nên tự do hơn nhờ các công ước nhân quyền hay nhờ các yếu tố khác, như phát triển kinh tế hay sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản?
Vấn đề lớn nhất với luật nhân quyền là nó mơ hồ một cách vô vọng. Sự mơ hồ này, vốn tạo điều kiện cho các chính phủ hợp lý hóa gần như mọi thứ họ đang làm, không phải là do việc soạn thảo văn bản pháp lý cẩu thả.
Đó là một sự mơ hồ có chủ đích, để dồn nén vào trong các công ước hàng trăm nghĩa vụ vốn không hề được định nghĩa rõ ràng.
Tại phần lớn các quốc gia, con người về hình thức có đến hơn 400 nhân quyền mang tính quốc tế – quyền làm việc, quyền nghỉ ngơi, quyền tự do biểu đạt, quyền tự do tín ngưỡng, quyền không bị kỳ thị, quyền riêng tư, gần như tất cả những gì bạn có thể nghĩ là đáng được bảo vệ.
Số lượng cực lớn các quyền và sự đa dạng các loại quyền, vốn bảo vệ gần như mọi lợi ích con người, không thể cung cấp bất kỳ một sự dẫn dắt nào cho các chính phủ cả.
Bởi vì các chính phủ có ngân sách giới hạn, khi nó bảo vệ một quyền này có thể ngăn cản việc bảo vệ một quyền khác.
Lấy ví dụ quyền không bị tra tấn. Tại phần lớn các nước, tra tấn không phải là một chính sách nhà nước công khai. Như tại Brazil, cảnh sát địa phương dùng biện pháp tra tấn bởi vì họ tin rằng đó là một cách hữu hiệu để duy trì trật tự hay để điều tra ra tội phạm.
Nếu chính phủ Brazil quyết định hoàn toàn bài trừ nạn tra tấn, họ sẽ cần các đơn vị điều tra trung thực, được trả lương đầy đủ để giám sát lực lượng cảnh sát. Chính phủ Brazil sẽ phải sa thải lực lượng cảnh sát đang có của họ và nâng lương cho những cảnh sát mới vào thay thế. Chính phủ Brazil cũng có thể phải cải tổ cả hệ thống tư pháp, thậm chí có thể là cả hệ thống chính trị.
Một chính phủ như Brazil hoàn toàn có thể tranh luận một cách hợp lý rằng họ nên sử dụng các nguồn nhân tài vật lực ít ỏi của mình vào việc giúp đỡ người dân – ví dụ, xây trường học và trạm xá.
Nếu một luận điểm như thế là hợp lý, thì ở đây có một vấn đề: luật nhân quyền không công nhận một lý do bao biện kiểu này trong việc không ngăn được nạn tra tấn.
Hoặc hãy xem một ví dụ khác, quyền tự do biểu đạt. Từ cái nhìn toàn cầu, quyền tự do biểu đạt là một quyền đặc biệt gây tranh cãi.

Văn phòng tạp chí châm biếm Charlie Hebdo đã bị tấn công và phá hủy hoàn toàn một ngày sau khi họ đăng tải bức biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad trên trang bìa. Ảnh: Triết gia người Pháp Bernard-Henri Levy đang đọc một tờ báo Charlie Hebdo – Vox.

Hoa Kỳ rất xem trọng quyền này, cho dù họ đưa ra một loạt các ngoại lệ dành cho các hành vi lừa đảo, phỉ báng, và các trường hợp tục tĩu.
Tại châu Âu, phần lớn các chính phủ tin rằng quyền tự do biểu đạt không bao gồm ngôn luận thù hận (hate speech).
Tại nhiều nước Hồi giáo, bất kỳ một hành vi phỉ báng đạo Hồi nào cũng không được quyền tự do ngôn luận bảo vệ.
Bản thân luật nhân quyền cũng lẳng lặng thừa nhận rằng quyền tự do biểu đạt phải bị giới hạn bởi các quan tâm về trật tự và đạo đức công cộng.
Tuy nhiên, một chính phủ đang tìm cách tuân thủ luật nhân quyền quốc tế về tự do biểu đạt không hề được hướng dẫn chi tiết rằng họ nên làm gì.
Thế nên, sự tồn tại của một số lượng lớn các quyền được định nghĩa một cách mơ hồ cuối cùng đã tạo cho các chính phủ những không gian tự quyết khổng lồ.
Nếu một chính phủ thúc đẩy một nhóm quyền, trong khi bỏ lơ các nhóm quyền khác, làm cách nào để biết được là chính phủ đó đang tuân thủ các công ước một cách nỗ lực nhất thay vì là đang trâng tráo ‘lách’ các công ước đó?

Vấn đề lớn nhất với luật nhân quyền là nó mơ hồ một cách vô vọng

Lý do tại sao những vấn đề nói trên tồn tại trên bình diện quốc tế thay vì trên bình diện quốc gia chính là vì bên trong các nước, nghĩa vụ diễn giải và định nghĩa các quyền được miêu tả mơ hồ, và việc cân đong đo đếm được-mất (trade-offs) giữa các quyền khác nhau, thường được giao phó cho các thể chế đáng tin cậy.
Ví dụ, chính Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã quyết định rằng quyền tự do ngôn luận không bao gồm tự do đưa ra các phát biểu lừa dối (fraudulent), phỉ báng (defamatory), và tục tĩu (obscence).
Cộng đồng dân chúng Mỹ chấp nhận các phán quyết này vì chúng phù hợp với các quan điểm đạo đức của họ và bởi vì họ tin tưởng hệ thống tòa án một cách sâu sắc.
Trên lý thuyết, các thể chế quốc tế cũng có thể thực hiện một chức năng như thế. Nhưng các thể chế quốc tế được tạo dựng cho mục đích này lại rất yếu.
Trong các thể chế nhân quyền quốc tế thực chất nhất, ví dụ như Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (UN human rights council), lại cực kỳ thiếu vắng sự đồng thuận giữa các quốc gia.

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: UN.

Để tránh bị các thể chế quốc tế ép buộc phải công nhận các quyền mà họ bác bỏ, các nước trao rất ít quyền cho các thể chế quốc tế. Trong một loạt các thể chế đang có hiện nay, không có lấy một thể chế cao nhất mang tính tôn ti trật tự – như với hệ thống các tòa án quốc gia – và vì thế các thể chế này đưa ra các diễn giải mâu thuẫn nhau về nhân quyền và không thể ép buộc các nước chú tâm vào họ.
Đó là lý do tại sao các nước phương Tây có thể không thèm đếm xỉa đến quyết định của Hội đồng nhân quyền công nhận “phỉ báng tôn giáo”, xem hành vi phê phán Hồi giáo và các tôn giáo khác là hành vi xâm phạm nhân quyền của những ai đang thực hành các tôn giáo này.
Theo đó, thất bại của cơ chế luật nhân quyền quốc tế có nguồn gốc từ một vấn đề: rất khó để có thể rút gọn một thứ lý tưởng về “quản trị tốt” (good governance) thành một nhóm các quy định được định nghĩa rõ ràng vốn có thể được diễn giải và áp dụng bởi các thể chế đáng tin cậy.
Con người trên toàn thế giới có những xác tín về đạo đức khác biệt nhau. Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn là ở sự đa nguyên đạo đức.
Vấn đề thực sự là bản chất đặc biệt khó khăn của việc quản trị, đặc biệt trong hoàn cảnh các xã hội vẫn đang nằm trong tầm kiềm tỏa của tôn giáo và của xung đột chủng tộc.

Những người biểu tình chống quyền LGBT tại Jinja, Uganda. Ảnh: Independent

Có nhiều cách chính đáng để các chính phủ thúc đẩy phúc lợi cho người dân, và rất khó để người ngoài có thể đánh giá được chất lượng quản trị trong một nước bất kỳ nào đó.
Nhiều nhà cổ xúy nhân quyền phản bác rằng ngay cả khi luật nhân quyền không thể hoạt động như một hệ thống pháp lý bình thường, luật nhân quyền vẫn cung cấp sự hỗ trợ mang tính đạo đức quan trọng cho các cộng đồng bị áp bức.
Khi Liên Xô ký kết Hiệp ước Helsinki (Helsinki Accords) năm 1975, trong đó chính Liên Xô được yêu cầu phải tôn trọng nhân quyền, thì hàng loạt các ủy ban Helsinki về Nhân quyền (Helsinki committees) đã mọc lên tại các nước thuộc khối Đông Âu. Các ủy ban này trở thành các điểm tập trung cho việc khuấy động của những người bất đồng chính kiến.
Các nhóm hoạt động nữ quyền tại các nước có truyền thống gia trưởng cũng đã được truyền cảm hứng từ Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Những người ủng hộ quyền trẻ em có thể chỉ ra vai trò của Công ước về quyền trẻ em.
Các tổ chức phi chính phủ như Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) vẫn có thể gây sức ép lên các chính phủ để họ cải thiện việc bảo vệ các nhân quyền mà các tổ chức này quan tâm, cho dù bản thân các tổ chức này vẫn không thể ép các chính phủ phải tuân thủ các ràng buộc của họ.
Cơ chế luật nhân quyền quốc tế, nhìn tổng thể như vậy, đã biến nhân quyền thành một thứ ngôn ngữ về đạo đức chung dùng trong các quan hệ quốc tế. Việc này giúp ép các chính phủ phải xem trọng nhân quyền.
Thế nhưng, trong khi các chính phủ cũng sử dụng ngôn ngữ nhân quyền, họ dùng nó để đưa ra các luận điểm rất khác biệt trong vấn đề các quốc gia phải hành xử như thế nào.
Trung Quốc dùng “quyền phát triển kinh tế” (the right to development) để giải thích tại sao chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển kinh tế so với tự do hóa chính trị.
Nhiều nước dùng “quyền an ninh” (right to security), một ý tưởng dạng “gom-tuốt-tuồn-tuột” (catch-all) hay được dùng để bào chữa cho việc sử dụng các biện pháp chế tài thô bạo.
Vladimir Putin thì dùng quyền các dân tộc thiểu số tại Ukraine để biện minh cho can thiệp quân sự của ông ta tại nước này, cũng giống như cách Hoa Kỳ dùng lý do Saddam Hussein đàn áp nhân quyền để tạo ủng hộ cho cuộc chiến Iraq.
Một số nước Hồi giáo thì dùng quyền tự do tôn giáo để giải thích tại sao phụ nữ của họ phải bị hạ cấp, để tranh luận rằng tại sao phụ nữ phải đảm nhận vai trò đã được định sẵn của họ trong luật Hồi giáo.
Quyền “tự quyết” (self-determination) lại có thể được đem ra để biến các áp lực nước ngoài chống các hành vi xâm phạm nhân quyền trong nước thành những hành vi xâm phạm quyền tự định đoạt số phận của một quốc gia.
Ngôn ngữ các quyền (the language of rights), vốn không được kiểm soát bằng các diễn giải pháp lý chi tiết, đã trở thành một thứ ngôn ngữ thể như “bọt biển” (spongy), không còn có thể ngăn chặn các chính phủ thực hiện hành vi ngược đãi. Thậm chí, thứ ngôn ngữ đó có thể dùng để che giấu các nghị trình phản tự do bằng cách sử dụng những từ ngữ dễ nghe đối với phương Tây.
Và trong khi các cơ quan phi chính phủ thúc ép các nước cải thiện hành vi, các cơ quan này thường dùng các nhân quyền mà họ quan tâm và không cố gắng duy trì một cách tiếp cận công tâm trong việc thực thi nhân quyền nói chung.
Các tổ chức tinh vi như Human Rights Watch hiểu rõ rằng các nước nghèo không thể tuân thủ tất cả các nhân quyền nêu trong các hiệp ước. Thế nên, họ vận động một cách có chọn lọc. Trên thực tế bằng việc chọn lọc đó, Human Rights Watch đang nói với các chính phủ trên toàn thế giới rằng họ phải sắp xếp ưu tiên nhân quyền như thế nào cho phù hợp với những gì mà Human Rights Watch cho là quan trọng. Đôi khi điều này dẫn đến các chính sách thực tế làm nổi giận chính những người phương Tây đang góp tiền cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhưng lại không được tiếp cận đầy đủ thông tin.
Nhưng có lý do nào để tin rằng Human Rights Watch, và những người đóng góp cho họ, biết rõ hơn những người dân đang sống ở Suriname, Lào hay Madagascar rằng chính phủ các nước này phải sắp đặt ưu tiên chính sách thế nào và áp dụng chúng ra sao hay không?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục yêu cầu châu Âu không can thiệp vào các vấn đề nội bộ quốc gia. Ảnh: Ace Morandante

Người phương Tây mang một trách nhiệm đạo đức phải cứu giúp người nghèo khổ cao hơn các nước khác. Điều tốt nhất ta có thể nói về phong trào nhân quyền chính là phong trào này phản ánh một mong muốn thành thật trong việc cứu giúp đó.
Tuy nhiên, nếu mục đích của phong trào là đáng khâm phục thì các phương tiện của phong trào lại đầy khiếm khuyết.
Người phương Tây nên từ bỏ các khát vọng không tưởng của họ và học vài bài học về kinh tế phát triển.
Cũng với động cơ vừa mang màu sắc trắc ẩn vừa mang màu sắc lo lắng cho ổn định địa chính trị toàn cầu như phong trào nhân quyền, các nhà kinh tế phát triển cũng đã thất bại phần lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ mà họ tự đặt ra là phát huy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các thất bại ấy không khiến cho họ từ chối thừa nhận, mà họ đã biết cải thiện một cách chậm rãi và tỏ ra ngày càng khiêm cung hơn.
Trong cuốn sách giàu ảnh hưởng The White Man’s Burden, William Easterly tranh luận rằng giới ủng hộ chính sách viện trợ quốc tế (forein-aid) đều chịu ảnh hưởng của một thứ tư tưởng vốn là một phiên bản nhẹ nhàng hơn thứ tư tưởng “nghĩa vụ văn minh hóa nhân loại” của những kẻ đế quốc thế kỷ 19.
Người phương Tây không còn tin rằng người da trắng có đẳng cấp cao hơn những dân tộc thuộc các chủng tộc khác. Tuy nhiên, họ vẫn tin rằng thị trường có khuôn khổ pháp lý (regulated markets), chủ nghĩa pháp quyền (rule of law) và tư tưởng dân chủ tự do (liberal democracy) là những thứ đẳng cấp hơn những hệ thống đang tồn tại các quốc gia ngoài phương Tây.
Easterly không phản đối thị trường có khuôn khổ pháp lý và tư tưởng tự do dân chủ. Ông cũng không phản đối viện trợ quốc tế. Ý ông muốn công kích thứ tư tưởng của “những kẻ hoạch định” (planners) – những người tin rằng phương Tây có thể một mình áp đặt một hình mẫu chính trị và kinh tế có thể thúc đẩy phúc lợi tại những nước khác.
Kể từ sau Thế chiến thứ II, các nước phương Tây đã đóng góp hàng tỷ tỷ đô la viện trợ cho các nước đang phát triển.
Viện trợ có nhiều dạng: tiền, cho vay dưới mức lãi thị trường, tiền phải dùng để mua sản phẩm phương Tây, các dự án đặc biệt như đập nước và nhà máy, hỗ trợ kỹ thuật, giáo dục và các dự án “pháp quyền” (rule-of-law) được thiết kế để cải thiện các thể chế luật pháp. Có một giai đoạn, “Đồng thuận Washington” còn áp đặt những công thức phát triển hàng loạt dựa trên thị trường lên các quốc gia muốn mượn tiền.
Giờ đây, các nhà kinh tế đồng thuận rằng những nỗ lực nói trên đã thất bại.
Có nhiều lý do.
Trao tiền và khoản cho vay cho các chính phủ để xây dựng các dự án như nhà máy điện sẽ không giúp gì cho đất nước, nếu các quan chức chính phủ ăn bớt phần lớn tiền và khoán hợp đồng cho đám thân hữu không có khả năng thực hiện dự án.
Cung cấp các chuyên gia để cải thiện cơ sở hạ tầng pháp lý của đất nước sẽ không hiệu quả nếu các thẩm phán địa phương từ chối áp dụng luật mới, vì lý do tham nhũng, truyền thống, hay khả năng yếu kém.
Gây sức ép bắt các chính phủ đấu tranh chống tham nhũng sẽ không có ích nếu như bản thân các chính phủ phải hối lộ các trùm mafia, tù trưởng bộ lạc, hay các đầu lĩnh để duy trì trật tự xã hội.
Đòi hỏi những nước nhận viện trợ phải dùng tiền theo những cách mà bản thân các nước này thấy không cần thiết thì chỉ khuyến khích chính phủ các nước này tìm cách lách các điều kiện viện trợ.

Một dự án phát triển nhờ nguồn viện trợ bị bỏ hoang tại Congo. Ảnh: Wikiwand

Đồng thuận Washington thất bại vì cải cách kinh tế cần có cả sự đồng thuận của cộng đồng dân chúng, và dân chúng thì căm ghét việc nước ngoài áp đặt lên họ các chính sách khắc nghiệt – mà tự thân chúng vốn không phải lúc nào cũng là những chính sách khôn ngoan.
Luật nhân quyền quốc tế cũng phản ánh một hình mẫu áp dụng từ trên xuống giống như thế, nếu như người ta cũng theo đuổi nó một cách thô thiển giống vậy.
Tuy nhiên, luật nhân quyền có những đặc điểm riêng. Bởi vì là luật, nó đòi hỏi sự đồng thuận của các quốc gia, tạo ra một ảo giác về sự cân đối và cân bằng quyền lực vốn không có trong các trường hợp cho và nhận viện trợ.
Vì thế nên mới có sự khăng khăng đòi hỏi rằng các quốc gia phương Tây cũng phải tuân theo luật nhân quyền như bất kỳ quốc gia nào khác, vốn là một ý không thể tồn tại trong hoàn cảnh viện trợ quốc tế.
Tuy nhiên, trong thực tế thì luật nhân quyền quốc tế không yêu cầu các nước phương Tây thay đổi các hành vi của họ, trong khi đó (về lý thuyết) luật nhân quyền lại đòi hỏi các nước bên ngoài phương Tây phải thay đổi hành vi.
Cả việc viện trợ quốc tế và việc thi hành luật nhân quyền đều có thể bị lũng đoạn và làm giảm hiệu quả, vì bản thân các nước phương Tây có những lợi ích chiến lược vốn không ăn nhập gì với nhiệm vụ của cả hai thiết chế này.
Tuy nhiên, vấn đề lớn với cả hai thiết chế – viện trợ quốc tế và luật nhân quyền quốc tế – chính là cả hai hệ thống này đều phản ánh một thế giới quan về quản trị tốt (a vision of good governance) vốn có nguồn gốc từ kinh nghiệm lịch sử chung của các nước phương Tây. Thế giới quan đó chiếm ưu thế (cho dù chỉ là tương đối) tại những quốc gia đang tận hưởng giàu sang, an ninh và trật tự.
Không có lý do gì để cho rằng thế giới quan đó – thế giới quan của việc áp dụng thi hành nhân quyền thông qua các công cụ thể chế – là một thế giới quan thích hợp cho các nước nghèo, với những truyền thống khác biệt, và đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề vốn đã thuộc về quá khứ – theo cái nhìn phương Tây.
Nhìn lại quá khứ, ta có thể thấy việc ký kết các công ước nhân quyền trông không giống hành vi thực hiện lý tưởng, mà là hành vi ngạo mạn
Ngành kinh tế học phát triển đã có những bước tiến nhất định trong việc tự cứu bản thân nó khỏi sai lầm nói trên.
Những nhà nghiên cứu kinh tế phát triển giỏi nhất hiện nay, như Esther Duflo, đã rất sốt sắng thử nghiệm các cách cải thiện cuộc sống cho người dân sống tại các quốc gia đang phát triển. Các mô hình thống kê nghiêm ngặt đang ngày càng được sử dụng, và trong các năm gần đây, các nhà kinh tế đã áp dụng một loạt các thí nghiệm đối chiếu tùy cơ (randomised controlled trials).
Các nhà kinh tế học bắt đầu chú tâm hơn vào các chi tiết của hoàn cảnh xã hội, và họ đã thấy rõ hơn rằng một chương trình tiêm vắc-xin vốn có hiệu quả ở một nơi có thể thất bại ở một nơi khác, bởi vì các lý do liên quan đến trật tự xã hội mà người ngoài không thể hiểu được.
Các nhà kinh tế học đã làm giảm các kỳ vọng xuống. Mục tiêu không còn là biến các xã hội nghèo khó thành các xã hội giàu có, hay tạo ra các thể chế thị trường và tiêu diệt tham nhũng nữa. Mục tiêu bây giờ là giúp một ngôi trường tại một làng nọ khuyến khích học sinh đọc nhiều hơn, hay đơn giản hóa thị trường cho vay tại một ngôi làng khác.
Đã đến lúc bắt đầu một cách tiếp cận với phát huy phúc lợi cho một quốc gia bằng các phương tiện thực nghiệm thay vì giáo điều tư tưởng.

Một chương trình hỗ trợ giáo dục trẻ em Uganda của tổ chức Charita ở cộng hòa Czech. Ảnh: Charita

Những người ủng hộ nhân quyền có thể học rất nhiều từ kinh nghiệm của các nhà kinh tế học phát triển – không chỉ qua những khiếm khuyết của cách áp đặt từ trên xuống, ép buộc những người dân tại một đất nước khác phải trở nên tự do, mà còn qua những cách khác mà một người có thể giúp đỡ những người dân nơi đó.
Các nước giàu có nên cung cấp viện trợ cho các nước đang phát triển, tuy nhiên phải đi kèm với nhìn nhận rằng giúp đỡ những nước khác không đồng nghĩa với việc ép buộc họ áp dụng các thể chế, các hình mẫu quản lý, các hệ thống giải quyết tranh chấp và quyền hoàn toàn theo kiểu phương Tây. Giúp đỡ các nước khác có nghĩa là cho họ tiền, hỗ trợ kỹ thuật, và vay mượn trong những trường hợp mà các hình thức viện trợ này có thể giúp nâng cao mức sống cho những người dân nghèo nhất.
Các nguồn của cải vật lực sẽ được sử dụng hiệu quả hơn theo cách nói trên, thay vì tiêu tốn cho các nỗ lực không đi đến đâu cả trong việc ép buộc các nước khác phải tuân thủ một hệ thống công ước phức tạp và mông lung.
Từ việc nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể thấy rằng việc ký kết các công ước nhân quyền trông không giống hành vi thực hiện lý tưởng, mà là một hành vi ngạo mạn. Một hành vi trông khá giống với những nỗ lực văn minh hóa của các chính phủ và các nhóm truyền giáo phương Tây thời thế kỷ 19. Những nỗ lực đó làm được rất ít điều tốt đẹp cho các cộng đồng dân bản xứ, lại còn khiến cho các nước quyền lực châu Âu vướng vào các vấn đề của những đất nước mà họ không hề thấu hiểu. Đã đến lúc phải có một cách tiếp cận khiêm nhường hơn.

Cuốn sách mới nhất của tác giả Eric Posner là cuốn The Twilight of International Human Rights Law(Hoàng Hôn của Luật Nhân Quyền Quốc Tế) xuất bản năm 2014.






No comments:

Post a Comment

View My Stats