Sunday 6 August 2017

TUẦN TIN NGƯỜI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN : TUẦN THỨ 32, TỪ 31/7 ĐẾN 6/8/2017 (Defend The Defenders - Người Bảo Vệ Nhân Quyền)




06/08/2017

-  06/8/2017
Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp nhằm vào Hội Anh em Dân chủ (HAEDC), bắt giữ anh Nguyễn Trung Trực là phát ngôn viên của tổ chức này.
Ngày 04/8, an ninh tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ và khởi tố anh theo cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 với mức án cao nhất là tử hình nếu bị kết tội.
Trước đó năm ngày, Bộ Công an đã bắt giữ bốn cựu tù nhân lương tâm và đồng sáng lập HAEDC, bao gồm Chủ tịch HAEDC Nguyễn Trung Tôn, cựu chủ tịch Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển. Cả bốn người, cùng với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, đều bị cáo buộc “lật đổ” theo Điều 79.
Sau vụ bắt giữ nhiều thành viên HAEDC, Ân xá Quốc tế đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm và xóa bỏ mọi cáo buộc chống lại họ chỉ vì họ đã thực hiện những quyền về tự do ngôn luận và lập hội đã được ghi trong Hiến pháp 2013 cũng như Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Ân xá Quốc tế và tổ chức Article 19 cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người bị kết án 9 năm tù giam và năm năm quản chế vì những hoạt động cổ súy nhân quyền.
Cũng trong tuần, Việt Nam bắt giữ một giảng viên của trường Cao đẳng Cần Thơ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự vì những bài viết của người này trên Facebook.

*
-  4/8/2017
Việt Nam bắt giữ phát ngôn viên của Hội Anh em Dân chủ
Chính quyền Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp nhằm vào Hội Anh em Dân chủ (HAEDC), một tổ chức sáng lập bởi luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Ngày 04/8, an ninh Việt Nam bắt giữ ông Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân kiêm trưởng ban đào tạo HAEDC và trưởng ban điều hành chi hội miền Trung.
Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở của ông Nguyễn Trung Trực. Ông bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.
Khi khám xét nhà riêng, công an đã lấy đi nhiều giấy tờ; banner phản đối Formosa, điện thoại, laptop, USB…
HAEDC là một tổ chức xã hội dân sự hoạt động ôn hòa trong hơn 4 năm qua, với mục đích thúc đẩy nhân quyền và tiến bộ xã hội ở Viêt Nam. Hôm 30/7, Bộ Công an đã bắt giữ 4 cựu tù nhân lương tâm, truy tố họ cũng theo Điều 79, với mức phạt cao nhất lên tới án tử hình.
Bốn người đều là thành viên của HAEDC gồm mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, ông Nguyễn Bắc Truyển và ông Phạm Văn Trội. Cả bốn người bị cho là thuộc nhóm của luật sư Nguyễn Văn Đài.
Bộ Công an cũng loan báo chính thức khởi tố luật sư Đài và người cộng sự của ông là cô Lê Thu Hà, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cũng theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự. Luật sư Đài và cô Hà đã bị bắt giam ngày 16/12/2015 với cáo buộc ban đầu là “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

*
-  2/8/2017
Một giảng viên ở Cần Thơ bị bắt với cáo buộc 258
Thạc sỹ Trần Tuấn Kiệt, giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, bị bắt với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân.”
Sáng 2-8, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi làm việc đối với Trần Tuấn Kiệt.
Cụ thể, ngày 23-5-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ nhận được đơn tố cáo về ông Kiệt có hành vi đe dọa giết người.
Công an địa phương nói họ tìm thấy nhiều chứng cớ về việc ông Kiệt lợi dụng các quyền tự do của mình xâm phạm đến lợi ích của Trường CĐ Cần Thơ và cá nhân ông Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng trường.
Trước đó, ông Kiệt bị Trường CĐ Cần Thơ kỷ luật vì đơn vị cho rằng ông viết bình luận trên Facebook gây ảnh hưởng xấu đến lãnh đạo.
Ngày 20-2, Đảng ủy Trường CĐ Cần Thơ ra quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách đối với ông Kiệt, trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế của trường. Ông cũng là người tố TS Hồ Thanh Tâm được thăng chức Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ không đúng quy trình.

*
-  1/8/2017
Ân Xá Quốc tế lên tiếng về vụ bắt 4 người mới đây
Nhà cầm quyền Việt Nam tiến hành một cuộc đàn áp mạnh mẽ đối với các nhà hoạt động ôn hòa vì tự do ngôn luận, hội họp và lập hội qua động thái bắt giữ 4 thành viên của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) vào hôm 30/7 vừa qua, Ân xá Quốc tế nói trong một thông cáo báo chí công bố ngày 1/8.
Ân xá Quốc tế nêu rõ bốn người vừa bị bắt tên là kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà báo tự do Trương Minh Đức, luật sư Nguyễn Bắc Truyển và mục sư Nguyễn Trung Tôn với cáo buộc liên quan đến luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cùng đồng sự, cô Lê Thu Hà, bị bắt giam hơn 18 tháng qua. Tất cả 6 người này bị khởi tố theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, với tội danh “lật đổ chính quyền”.
Ân xá Quốc tế khẳng định các việc làm của 6 thành viên trong HAEDC là thực hiện quyền công dân được hiến định và theo quy định của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, như quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp mà không bị bắt bớ tùy tiện hay giam cầm.
Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Hà Nội phải thực hiện trách nhiệm trong việc cam kết về nhân quyền và hủy bỏ những cáo buộc đối với tất cả các nhà hoạt động là những người thực hiện các quyền nêu trên. Đồng thời, tổ chức này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp mạnh mẽ đối với các nhà hoạt động nhân quyền và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

*
- 31/7/2017
Ân xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cấp đối với TNLT Trần Thị Nga
Nhà hoạt động nhân quyền và quyền tự do ngôn luận Trần Thị Nga đã bị kết án 9 năm tù vào ngày 25/7/2017 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Cô là một tù nhân lương tâm và phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
Trần Thị Nga đã bị biệt giam từ ngày bị bắt, ngày 21/01. Toà án Nhân dân tỉnh Hà Nam đã kết án chỉ sau một ngày xét xử. Chính quyền Việt Nam đã ngăn cản các thành viên gia đình và những người ủng hộ Trần Thị Nga, cũng như các nhà báo và nhà ngoại giao nước ngoài, trong việc theo dõi các thủ tục tố tụng bên trong phòng xử án. Trần Thị Nga còn phải bị án quản chế 5 năm sau khi thực hiện án tù giam.
Theo các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, Trần Thị Nga bị cáo buộc “đăng các đoạn băng video và tài liệu có tính chất tuyên truyền chống nhà nước trên Internet”. Tại phiên tòa, tòa án đã dựa vào 13 video – 11 được đăng trên các tài khoản Facebook của cô và hai video được tìm thấy trên máy tính của cô – như là bằng chứng ủng hộ cáo buộc. Các video liên quan đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường và tham nhũng. Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam thuộc Chương XI của luật này, trong đó nêu ra các điều khoản không rõ ràng về “xâm phạm đến an ninh quốc gia”; Các điều khoản của chương này thường được sử dụng để giam giữ người bất đồng chính kiến ​​ở Việt Nam.
Trần Thị Nga đã bị hành hung, quấy rối và hăm dọa vì các hoạt động nhân quyền của cô trong quá khứ. Tháng 5 năm 2014, cô bị tấn công trên đường phố bởi năm người đàn ông mặc thường phục, dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Trong khi bị giam giữ trước xét xử, sức khoẻ của cô đã xấu đi do bị thương tổn niêm mạc liên quan đến vụ tấn công năm 2014. Từ tháng 6 năm nay, cô đã bị nhà chức trách nhà tù từ chối điều trị y tế cho thương tích.
Hãy viết ngay bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng mẹ của bạn để kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền:
– Phóng thích ngay Trần Thị Nga và xóa bỏ mọi cáo buộc đối với cô;
– Đảm bảo rằng cho đến khi cô được trả tự do, cô được đối xử đầy đủ theo Các Nguyên tắc về  Tiêu chuẩn Tối thiểu của Liên Hợp quốc về đối xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela), bao gồm việc cung cấp chăm sóc y tế đầy đủ;
– Chấm dứt ngay lập tức việc bắt giữ độc đoán, truy tố và quấy rối các nhà bảo vệ nhân quyền. Củng cố và tạo điều kiện cho các quyền tự do hội họp, hội họp hòa bình và biểu đạt.
Xin vui lòng khiếu nại trước 10/9/2017 tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Thông tin bổ sung
Trần Thị Nga bị bắt tại nhà riêng ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vào ngày 21/01/2017 trong khi chồng cô đang đi con đến trường. Vào tháng 2 năm 2017, có 31 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và hơn 847 cá nhân đã ký vào đơn yêu cầu cơ quan chức năng trả tự do cho cô. Sau phiên tòa, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, bao gồm EU và Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố phản đối việc kết án Trần Thị Nga và kêu gọi trả tự do cho cô ngay lập tức.
Là mẹ của những đứa trẻ nhỏ, lần đầu tiên cô quan tâm đến nhân quyền trong khi hồi phục sau tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Đài Loan, nơi cô đã bị lạm dụng như là một công nhân xuất khẩu lao động. Cô là thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam và nổi tiếng vì hoạt động ôn hòa và vận động chính sách về đất đai và quyền lao động, vấn đề môi trường, bao gồm thảm họa Formosa; và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong ngày Phụ nữ Quốc tế năm nay, Trần Thị Nga là một trong sáu nhà hoạt động nhân quyền nữ xuất sắc ở Đông Nam Á được vinh danh bởi Ân xá Quốc tế cho công việc của họ.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam dường như đang xấu đi, với số vụ bắt giữ và truy tố các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp gia tăng. Những người chỉ trích chính phủ cũng phải đối mặt với những hạn chế về tự do đi lại, cũng như sự hăm dọa và bạo lực. Bản án của Trần Thị Nga đến chưa đầy một tháng sau khi Việt Nam kết án bởi một nữ hoạt động nhân quyền, blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người còn được gọi là “Mẹ Nấm” vào ngày 29/6 theo cáo buộc tương tự.
Cả Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đều tỏ ra quan ngại về phản ứng của chính quyền đối với thảm họa môi trường do Formosa gây ra năm 2016. Thảm họa này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi cá ở một số tỉnh của Việt Nam. Có tới 270.000 người, kể cả những người dựa vào ngành đánh bắt cá như sinh kế cũng như gia đình họ, đã bị ảnh hưởng bởi cái chết của hàng triệu con cá. Sau cuộc điều tra kéo dài 2 tháng về thảm họa, chính phủ đã xác nhận những lời cáo buộc của công chúng rằng một nhà máy thép thuộc Tập đoàn Formosa của Đài Loan, đặt trụ sở tại Hà Tĩnh, đã xả chất thải độc hại vào vùng biển ven bờ và gây ra thảm họa. Vào cuối tháng 6 năm 2016, Formosa đã xin lỗi công khai và thông báo sẽ bồi thường 500 triệu đô la Mỹ, nhưng những người bị ảnh hưởng nói rằng đây không đủ bù đắp cho tác động môi trường và mất sinh kế.
Một chiến dịch đàn áp toàn quốc đang được tiến hành để chống lại các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động tham gia vào việc yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc xử lý thảm họa của chính phủ Việt Nam. Nhiều vụ bắt giữ được tiến hành tại các vùng khác nhau của Việt Nam nhằm vào những người hoạt động phản đối kẻ gây ra thảm họa.
Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Văn Oai cùng bị tạm giam. Oai, cựu tù nhân lương tâm và nhà hoạt động xã hội Công giáo, cũng bị bắt vào tháng Giêng, cùng đợt với Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Hóa.
Ngày 1/6/2017, Ân xá Quốc tế kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam xóa bỏ cáo buộc đối với Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền, hai nhà hoạt động đã hỗ trợ các nạn nhân trong thảm họa môi trường ở Formosa. Hoàng Đức Bình đang bị giam giữ trước khi xét xử và lệnh bắt giữ vẫn còn tồn tại đối với Bạch Hồng Quyền.
Điều kiện nhà tù ở Việt Nam rất hà khắc, thiếu lương thực và chăm sóc sức khoẻ, thiếu các yêu cầu tối thiểu được quy định trong Quy tắc về Tiêu chuẩn Tối thiểu của Liên hợp quốc về đppso xử với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Nhiều tù nhân lương tâm đã bị biệt giam như là một hình phạt trong thời gian kéo dài. Họ cũng bị áp dụng các hình thức tra tấn hoặc ngược đãi khác, bao gồm đánh đập bởi quản giáo và các tù nhân khác mà quản giáo không can thiệp. Mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống Tra tấn của LHQ có hiệu lực ở nước này vào tháng 2 năm 2015 nhưng quốc gia này vẫn chưa thực hiện đầy đủ các bước để đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước đó.
Để biết thêm thông tin, xem báo cáo của Ân xá Quốc tế, ban hành vào tháng 7 năm 2016 với tiêu đề: Nhà tù trong nhà tù- Tra tấn và Đối xử vô nhân đạo với tù nhân lương tâm ở Việt Nam theo đường link: https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/4187/2016/en/.

===================
Quý vị có thể đọc bản tin Anh ngữ tại đây







No comments:

Post a Comment

View My Stats