Sunday 13 August 2017

TÓM TẮT TIN TỨC VỀ VỤ TRỊNH XUÂN THANH CHO TỚI NAY (Phan Ba)





Theo những tin tức biết được từ báo chí Đức, Trịnh Xuân Thanh sang Đức bằng hộ chiếu ngoại giao. Sau khi visa hết hạn, vợ chồng Thanh xin giấy phép cư trú. Vợ Thanh thì được, còn Thanh thì không. Lý do: Phía Đức có một “ghi nhận tìm kiếm” từ Hà Nội đối với ông. Tức là nước Đức không bao che cho Thanh như nhiều ý kiến được lưu truyền trên mạng. 

Sau khi không được cấp giấy phép cư trú, Thanh nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Theo Hiến Pháp Đức, bất cứ ai cũng có quyền xin tỵ nạn chính trị chứ không phải riêng gì Thanh. Nhà nước Đức không hề bao che cho Thanh bằng cách cho ông ta được phép tỵ nạn chính trị mà đó là luật lệ chung. Thanh và luật sư của ông chỉ “tận dụng” luật pháp của một nhà nước pháp quyền. Và đồng thời thì cơ quan xét duyệt còn được yêu cầu tạm thời chưa nên vội đi đến phán quyết cuối cùng, cho đến khi tình trạng vụ này được làm rõ. Thậm chí ông ta còn chưa kịp đi phỏng vấn cho đơn tỵ nạn của minh thì đã bị bắt cóc về nước.

Một ngày trước lịch hẹn phỏng vấn, nhiều nhân chứng quan sát thấy Thanh và một người phụ nữ bị nhiều người đàn ông có vũ khí dùng vũ lực lôi vào một chiếc ô tô dưới tiếng la hét thật lớn. Người phụ nữ được cho là đã bị gãy tay trong lúc này. Các nhân chứng đã ghi lại biển số xe và đi báo cảnh sát. Chiếc điện thoại của Thanh bị rớt lại hiện trường. Đây là một chiếc xe cho thuê, mang biển số Séc, do một người Việt thuê ba ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra. Xe có gắn thiết bị định vị GPS để chống trộm nên toàn bộ lộ trình đều biết được. 

Theo thông tin ban đầu, trong ngày hôm đó, chiếc ô tô từ Séc sang đã đến phi trường Tegel của Berlin để đón người phụ nữ nói trên, chạy đến công viên Tiergarten bắt Thanh rồi chạy về Séc. Tổng Công tố Liên bang sau khi tiếp nhận nhiệm vụ điều tra từ Công tố Berlin đã nói rằng sau khi bắt cóc Thanh, chiếc xe đã chạy vào Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin rồi mới về Séc. Chiếc xe hiện đã bị cảnh sát Séc tạm giữ để điều tra. Thanh sau đó bị đưa về Việt Nam bằng máy bay.

Phản ứng của chính phủ Đức

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức thông báo rằng nhân viên tình báo trong Đại sứ quán VN đã bị liệt vào hàng “người không được hoan nghênh” và đã bị trục xuất ra khỏi Đức. Chính phủ Đức bảo lưu nhiều biện pháp trừng phạt khác trên các bình diện chính trị, ngoại giao cũng như kinh tế. Ông giám đốc tương lai của Cơ quan Tín dụng Tái thiết (KfW), ủy viên toàn quyền Joachim Nagel đã hủy chuyến đi thăm Việt Nam. Một phát ngôn viên của Bộ Phát triển nói với báo taz rằng các ban ngành chuyên môn hiện đang bàn thảo để phối hợp đóng băng các khoản tiền dành cho Việt Nam. Ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nói rằng đây là một vụ “mà chúng ta sẽ không dung tha và không thể dung tha.” Mới đây, hai dân biểu Đức cũng yêu cầu có thêm nhiều biện pháp trừng phạt Việt Nam. Burkhard Lischka, phát ngôn viên đối nội của nhóm nghị viên Đảng Xã hội Dân chủ Đức trong Quốc Hội, theo tường thuật của tờ Spiegel, đã yêu cầu trục xuất thêm nhiều nhân viên làm việc cho tình báo trong đại sứ quán VN và đồng thời đóng băng các khoản tiền dành cho Việt Nam. Jürgen Hardt, phát ngôn viên đối ngoại của nhóm nghị viên Liên minh Thiên Chúa giáo thì yêu cầu có những biện pháp trừng phạt chung của Liên minh châu Âu.

Người cộng sản trong Cục Liên bang

Trong khi đó, nhờ điều tra của báo Spiegel và taz, Cục Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn (Bamf) mới biết rằng có một nhân viên của Cục đã phát biểu mang tính xúc phạm đến Chính phủ Liên bang, đến bà luật sư của Thanh và hoàn toàn theo chiều hướng của chính quyền Việt Nam. Người này tên là Hồ Ngọc Thắng, sang nước CHDC Đức học đại học về luật ở Jena và làm việc cho Cục Nhập cư từ năm 1991. Thắng là một cộng tác viên tích cực của báo Nhân Dân, được tặng nhiều bằng khen. Trong một bài báo, Thắng phê phán dân biểu Martin Patzelt là đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam khi ông sang dự phiên tòa xét xử những nhà hoạt động đối lập. Trong một bài báo khác Thắng gọi những nhà hoạt động này là “những tên phản bội”. Trong khi đó, Một nhân viên trong cơ quan của nhà nước Đức phải có nhiệm vụ trung thành với nhà nước và được yêu cầu phải trung lập.

Vụ Hồ Ngọc Thắng cũng phức tạp, vì là nhân viên của Bamf thì Thắng có thể tiếp cận đến những hồ sơ tỵ nạn nhạy cảm ( ví dụ như của Thanh) cũng như có thể truy cập vào sổ đăng ký trung tâm của người nước ngoài mà trong đó cả địa chỉ của những người đang xin tỵ nạn cũng được lưu trữ. Ngay từ tháng 10 năm 2016, trên trang Facebook của mình, Thắng đã viết về Thanh và phỏng đoán rằng người cựu quan chức đảng và giám đốc này đang ở Đức. Hai tờ báo Đức đưa ra câu hỏi rằng liệu Thắng có tiếp cận tới hồ sơ xin tỵ nạn của Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc hay không? 

Bamf đã cho Thắng ngưng việc ngay lập tức sau bài báo của tờ Spiegel và đồng thời cũng đã trình báo vụ việc cho Cảnh sát Hình sự Liên bang. Máy tính của Thắng đã bị cảnh sát tịch thu để điều tra.

Một nhà hoạt động nhân quyền của tổ chức Veto! ngược lại lo sợ rằng các hồ sơ mà Trịnh Xuân Thanh đã cung cấp cho đơn xin tỵ nạn của mình bây giờ có thể được sử dụng để chống lại ông trong vụ xét xử ở Hà Nội. Vì trong các bài viết của mình, Thắng đã dùng những gì ông biết được qua công việc làm của ông trong Sở Liên bang.

Vụ Thanh – Thắng hứa hẹn sẽ còn nhiều tập ly kỳ tiếp theo trong những tuần tới đây.

Phan Ba








No comments:

Post a Comment

View My Stats