Wednesday 16 August 2017

THỰC TRẠNG "BẤT TUÂN DÂN SỰ" TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO ? (Hòa Ái - RFA / LS Lê Công Định)




Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-08-16

Dư luận trong nước những ngày qua cho rằng các tài xế dùng tiển lẻ trả phí BOT trên quốc lộ 1A để phản đối mức phí cao và trạm thu phí đặt sai chỗ là “bất tuân dân sự”. Thực trạng “bất tuân dân sự” tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Luật sư Lê Công Định phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với AFP tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/4/2015. Photo: AFP

Phản kháng hợp pháp?

Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ dùng từ “bất tuân dân sự” trong trường hợp này thì e rằng không chính xác khi xét về phương diện ngữ nghĩa của khái niệm này, bởi vì “bất tuân dân sự” là một đề tài mà trước đây ông Henry David Thoreau, một triết gia người Mỹ đã đặt ra liên quan đến trong trường hợp một công dân nhận thấy một luật bất công và bất hợp lý thì họ có quyền không tuân thủ luật pháp đó, để thể hiện sự phản kháng của mình.

Ý niệm “bất tuân dân sự” từ ông Thoreau đã được phát triển về sau trên thực tế bởi những nhà cách mạng như ông Mahatma Gandhi và ông Nelson Mandela, chẳng hạn. Chúng ta phải lưu ý đến một yếu tố quan trọng, đó là có một điều luật hay một đạo luật không những bất công mà còn bất hợp lý khiến cho việc tuân thủ sẽ tạo ra một sự bất công trong xã hội và người dân có quyền không tuân thủ điều luật hoặc đạo luật đó.

Chúng ta thấy phản kháng của các tài xế ở Cai Lậy, Tiền Giang không phải họ bất tuân theo hướng không thanh toán tiền, mà họ vẫn thanh toán tiền nhưng họ tạo ra sự khó khăn khiến cho hoạt động giao thông bị đình trệ. Do đó, giữa ý niệm ban đầu về “bất tuân dân sự” với hành động của các tài xế tại trạm thu phí BOT ở Cai Lậy không có sự tương hợp với nhau để gọi hành động đó là “bất tuân dân sự”.

Hòa Ái: Thưa Luật sư, với hình thức phản kháng của các tài xế như thế, xét về phương diện pháp lý, họ có bị vướng vào những sai phạm nào hay không?

Luật sư Lê Công Định: Việc các tài xế trả bằng tiền lẻ ở Cai Lậy, Tiền Giang theo cách mà họ muốn gây trở ngại cho hoạt động của trạm thu phí BOT đó hoàn toàn không có một sự vi phạm điều luật nào cụ thể. Bởi vì theo luật của Việt Nam thì không có nghiêm cấm công dân thanh toán tiền bằng tiền lẻ và mọi loại tiền đều có giá trị hợp pháp và đều phải được sử dụng. Chỉ những người nào từ chối nhận tiền lẻ thì mới vi phạm pháp luật. Chứ việc thanh toán đó là hoàn toàn hợp pháp.

Chúng ta thấy không có một điều luật hay một đạo luật nào bất công hay bất hợp lý trong trường hợp này, mà chỉ có việc đặt ra trạm thu phí đó đã tạo ra một sự bất hợp lý, khiến cho các tài xế cảm thấy điều này không đúng và họ phản kháng trong ôn hòa, trong sự ý thức được là họ đang hành động đúng luật, chứ không có gì sai luật cả.

Hòa Ái: Theo nhận định của Luật sư, trong những năm gần đây, có phải người dân ngày càng nhận thức và hiểu biết hơn về nhân quyền và dân quyền; đồng thời họ cũng chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền được hiến định của họ?

Luật sư Lê Công Định: Tôi thấy rõ ràng người dân càng ý thức được quyền của mình và họ ý thức được quyền đó phải được Hiến pháp và Luật pháp bảo vệ, cho nên họ không ngần ngại khi họ phản kháng lại những hành động bất hợp lý của nhà cầm quyền và họ không nghĩ rằng mình đang vi phạm pháp luật. Qua đó, tôi thấy hành động phản kháng của công dân ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng. Điều vui mừng này không có nghĩa là chúng ta cổ súy cho hành động vi phạm pháp luật hay cổ súy cho hành động gây ra trở ngại cho công quyền. Và điều quan trọng là không phải người dân giảm sự phản kháng đó mà chính nhà cầm quyền phải nhận thấy cần phải tôn trọng hơn nữa quyền của công dân. Nếu tất cả người dân đều hiểu rằng họ cần phải bất tuân những đạo luật bất công và bất hợp lý của nhà cầm quyền, bất tuân dân sự thì có lẽ xã hội sẽ thay đổi nhanh chóng hơn.

Cần phải bất tuân dân sự?

Hòa Ái: Một khi người dân Việt Nam ý thức được và thực hiện bất tuân dân sự thì những rủi ro nào họ phải đối diện?

Luật sư Lê Công Định: Chúng ta thấy hành động bất tuân dân sự nào trên thế giới cũng đều đưa đến một hậu quả là sự trừng phạt của luật pháp.

Tôi xin so sánh đối với Luật pháp Việt Nam; chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến Pháp, nhưng có một điều luật bất công, đó là Điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự hiện hành, trừng phạt những ai tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều 88 này rõ ràng là vi hiến, bất công và bất hợp lý.

Do đó, nếu chúng ta công khai vi phạm Điều 88 để thể hiện quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Hiến pháp thì tất nhiên những ai vi phạm Điều 88 đều bị Nhà nước bắt giam. Bởi vì chiếu theo Điều 88 thì Nhà nước có quyền trừng phạt những người cất lên tiếng nói trong phạm vi quyền tự do ngôn luận của họ.

Tôi thấy nhiều bị can, bị cáo liên quan đến Điều 88 đều phủ nhận mình đã vi phạm pháp luật, tức là họ phủ nhận sự bất tuân dân sự. Tôi cho rằng cần phải công nhận mình vi phạm Điều 88 bởi chính điều luật đó là điều bất công và bất hợp lý, cần phải loại bỏ ra khỏi Bộ Luật Hình Sự.

Hòa Ái: Hòa Ái ghi nhận có sự gắn kết giữa các tổ chức xã hội dân sự với bất tuân dân sự, qua diễn tiến ở các quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, các tổ chức dân sự độc lập đóng vai trò gì trong việc bất tuân dân sự của người dân?

Luật sư Lê Công Định: Các tổ chức dân sự đôc lập tuy bị cấm hoạt động nhưng họ đóng góp rất lớn vào tiến trình thay đổi xã hội Việt Nam vì các tổ chức này đều có những chương trình, tôi tạm gọi là khai dân trí để giúp cho người dân hiểu biết về các quyền của họ được ghi trong Hiến pháp, cụ thế là quyền công dân và quyền con người. Nhờ sự phổ biến kiến thức rộng rãi trên mạng xã hội mà bây giờ ai cũng có phương tiện theo dõi được thì người dân ngày càng ý thức về các quyền hợp pháp của mình và do đó người dân ngày càng đấu tranh đòi Nhà nước phải tôn trọng quyền của công dân. Và nếu Nhà nước không tôn trọng thì họ thể hiện một sự phản kháng rất rõ rệt, như vụ các tài xế trả tiền lẻ ở trạm thu phí BOT tại Cai Lậy là một ví dụ điển hình.

Tôi cũng tin rằng theo thời gian do sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự mà nhiều tầng lớp người dân khác nhau cũng ý thức và hiểu rõ được quyền của mình cần được Nhà nước bảo vệ.

Trạm thu phí BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang. Photo: Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Hòa Ái: Bác sĩ-Blogger Hồ Hải, trước khi bị bắt hồi đầu tháng 11 năm ngoái, có đưa ra ý kiến rằng đã đến lúc người dân Việt Nam cần phải thực hiện bất tuân dân sự, còn quan điểm của Luật sư thế nào, thưa ông?

Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ dân trí ngày càng được khai mở rộng hơn nhờ mạng xã hội thì người ta cũng sẽ thể hiện sự phản kháng của họ. Đầu tiên là sự phản kháng ôn hòa trong khuôn khổ luật pháp. Về sau sẽ tiến dần lên mức gọi là bất tuân dân sự, tức là bất tuân luôn cả luật pháp và họ chấp nhận sự vi phạm một cách cố ý nhưng hợp lý vì thể hiện sự công bằng trong xã hội.

Tôi tin rằng tiến trình quá trình tiệm tiến đó chắc chắn sẽ diễn ra một cách điều đặn, chiều hướng phát triển này không bao giờ lùi lại được vì người dân ý thức được quyền của mình và họ thể hiện sự phản kháng cũng như bất tuân.

Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Luật sư Lê Công Định dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với RFA.









No comments:

Post a Comment

View My Stats