Thursday 12 January 2017

TRUMP THỪA NHẬN NGA CAN THIỆP BẦU CỬ ; ĐỂ CÁC CON COI DOANH NGHIỆP (Người Việt Online)




January 11, 2017

Tổng Thống Tân Cử Donald Trump trả lời báo chí trong cuộc họp báo tại Trump Tower ở New York ngày 11 Tháng Giêng. (Hình: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)

NEW YORK, New York (NV) – Vào sáng ngày Thứ Tư, 11 Tháng Giêng, tại tòa nhà Trump Tower ở New York, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump có cuộc gặp gỡ chính thức với khoảng 250 đại diện của giới truyền thông trong và ngoài nước.

Lần sau cùng ông có cuộc họp báo như thế này là vào Tháng Bảy, 2016, khi ông kêu gọi phía Nga hãy tấn công vào hệ thống điện thư của đối thủ chính trị ông là bà Hillary Clinton.

Nay, với chỉ còn khoảng một tuần lễ nữa là đến ngày tuyên thệ nhậm chức, giới truyền thông đưa ra các câu hỏi liên quan tới công việc làm ăn rộng lớn và phức tạp của ông, các nhân sự được ông đề cử vào nội các, cùng là những gì ông dự định thực hiện ngay sau ngày nhậm chức.

Ông Trump loan báo sẽ hoàn toàn chuyển giao việc điều hành công việc làm ăn, nằm trong tổ chức Trump Organization, của mình cho hai con trai.

Nữ Luật Sư Sheri Dillon, thuộc tổ hợp luật Morgan Lewis ở Washington, DC, người ông Trump nói là đã hoạch định ra cách để hoàn toàn tách ông ra khỏi việc điều hành công ty, cho báo chí hay để tránh bị cáo buộc là nhận tiền bạc từ các quốc gia khác, ông Trump sẽ tự nguyện tặng phần tiền lời từ các dịch vụ với các chính phủ ngoại quốc cho Công Khố Mỹ.

Theo Luật Sư Dillon, ông Trump từ bỏ trách nhiệm lãnh đạo và điều hành công ty địa ốc lớn lao của mình và sẽ không còn liên hệ đến việc quyết định đường hướng làm ăn với thành phần lãnh đạo mới, gồm hai người con trai là Don Jr. và Eric, cùng với một phụ tá cao cấp từng làm việc nhiều năm nay với ông Donald Trump là Alan Weisselberg, được giao điều hành tổ chức giám hộ (trust) tài sản của Trump Organization.

Tuy nhiên, cựu cố vấn về liêm chính của Tổng Thống Barack Obama, ông Norm Eisen, cho hệ thống ABC News hay rằng việc không hoàn toàn tách rời khỏi việc làm chủ các dịch vụ làm ăn của ông Trump sẽ chỉ dẫn đến các vụ tai tiếng và tham nhũng.

Giáo Sư Erwin Chemerinsky, khoa trưởng Khoa Luật của đại học UC Irvine, California, nói rằng kế hoạch hiến tặng “tiền lời” từ phần tiền trả của các chính phủ ngoại quốc cho các khách sạn do ông Trump làm chủ sẽ không đủ để xóa bỏ vấn đề vi phạm Hiến Pháp.

“Ngay khi nhận tiền, điều đó có nghĩa là ông có được lợi lộc, dù rằng sau đó ông có quyết định cho người khác đi chăng nữa,” theo Giáo Sư Chemerinsky. “Ðiều này có nghĩa là ông vẫn vi phạm Hiến Pháp.”

Cũng trong cuộc họp báo, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump lần đầu tiên công nhận rằng ông tin phía Nga đã đánh cắp các điện thư của đảng Dân Chủ trong thời gian có cuộc tranh cử, nhưng tiếp tục bác bỏ nhận định cho rằng Moscow làm điều này để giúp ông thắng cử.
Ông cũng cho rằng, các tin tức tình báo chưa kiểm chứng bị tiết lộ cho giới truyền thông tối Thứ Ba là “giả tạo.”

Ông nói: “Chuyện tình báo tiết lộ tin tức không kiểm chứng là hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Vào tối Thứ Ba, khi biết chuyện này, ông Trump tweet ra như sau: “TIN GIẢ – HOÀN TOÀN LÀ MỘT CUỘC SĂN LÙNG MANG MÀU SẮC CHÍNH TRỊ!”

Những tin tức này, do nhiều cơ quan truyền thông đưa ra, cho rằng, trong bản báo cáo tình báo trình bày cho Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Năm tuần trước, và sau đó là ông Donald Trump hôm Thứ Sáu tuần trước, có hai trang phụ lục.

Hai trang này là đúc kết tình báo của một cựu nhân viên tình báo thuộc cơ quan MI 6 của Anh, điều tra công việc làm ăn của ông Trump, mặc dù chưa xác định được các sự kiện này.
Người này ban đầu do những người Cộng Hòa chống ông Trump thuê làm công việc này, nhưng sau khi ông Trump được đảng Cộng Hòa chính thức đề cử, họ thôi không trả tiền nữa. Thế là phía đảng Dân Chủ tiếp tục trả tiền cho ông này.

Theo phụ lục này, ông Michael Cohen, luật sư của ông Trump, từng đến Prague, Tiệp, để gặp tình báo Nga, yêu cầu đột nhập hồ sơ của phía Dân Chủ để giúp ông Trump thắng cử.
Ngoài ra, người Nga cũng đột nhập cả hồ sơ của đảng Cộng Hòa, nhưng chỉ tung hồ sơ không có lợi của đảng Dân Chủ và bà Clinton trong lúc tranh cử.

Hơn nữa, cũng theo phụ lục, phía Nga đã dụ ông Trump dính vào một vụ mại dâm, rồi thu băng, đồng thời, cũng đột nhập vào hồ sơ kinh doanh của ông, rồi sau này có thể dùng để tống tiền ông.

Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, hôm Thứ Tư xác nhận với giới truyền thông là hồi Tháng Tám, 2016, ông có nội dung của phụ lục này trong tay, nhưng không tin đây là sự thật. Tuy nhiên, ông vẫn đưa phụ lục này cho ông James Comey, giám đốc FBI, để có thể điều tra.

Khoảng Tháng Chín, cựu Thượng Nghị Sĩ Harry Reid (Dân Chủ-Nevada), lúc đó là thủ lãnh khối thiểu số Thượng Viện, hai lần viết thư cho ông Comey, nói rằng: “Ông có thông tin rất quan trọng, tại sao ông không công bố.”
Ông Comey không phản ứng gì cả.

Sau khi trình bày phụ lục này cho ông Trump, bốn người đứng đầu bốn cơ quan tình báo của Mỹ, bao gồm ông James Clapper (giám đốc Tình Báo Quốc Gia), ông James Comey (giám đốc FBI), ông John Brennan (giám đốc CIA), và Ðô Ðốc Mike Rogers (giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia), muốn ông phải chú ý các vấn đề này, cho dù là có thật hay không chưa biết.

Ngoài ra, phụ lục này cũng được gởi cho tám vị dân cử lãnh đạo ngành tình báo thuộc lưỡng viện Quốc Hội.

Phản ứng về chuyện này, ông Cohen gởi ra một Twitter nói rằng: “Cả đời tôi, tôi chưa bao giờ đặt chân tới Prague.”

Sáng hôm sau, phát ngôn viên của tổng thống Nga cũng bác bỏ nội dung bản phụ lục này và nói rằng Nga không hề đột nhập vào hồ sơ của ông Trump.

Trong buổi điều trần tại Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện hôm Thứ Ba, khi Thượng Nghị Sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon) hỏi ông Comey là FBI có đang điều tra những gì có trong phụ lục này không, ông Comey nói: “Tôi sẽ không bao giờ trả lời những gì liên quan đến điều tra – là chúng tôi có điều tra hay không – tại một nơi công cộng như thế này, vì thế, tôi không thể trả lời cách này hay cách khác.”

“Cách trả lời của ông có vẻ châm biếm quá,” Thượng Nghị Sĩ Angus King (Ðộc Lập-Maine) nói.

Thượng Nghị Sĩ Wyden dí tiếp: “Dân chúng Mỹ có quyền biết điều này.”

Cũng có mặt tại buổi điều trần, Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris (Dân Chủ-California) nói ông Comey từng tạo ra một tiền lệ khi nói về cuộc điều tra email của bà Clinton trước đây. Khi tuyên bố về cuộc điều tra này trước cuộc bầu cử 11 ngày, theo bà Harris, ông Comey nói đó là “quyền lợi đặc biệt của người dân muốn biết chuyện này một cách công khai.”

Chuyện các cơ quan tình báo điều tra vụ tin tặc Nga phù hợp với tiêu chuẩn này, bà Harris nói.

“Tôi không chắc có vấn đề nào khác nghiêm trọng hơn mà công chúng muốn biết hơn là vụ này,” nữ thượng nghị sĩ nói. “Ủy ban này cần phải hiểu những gì FBI làm và không biết gì về những liên lạc giữa các ban vận động và người Nga.”

Ngồi kế ông Comey, ông James Clapper nói: “Công bằng.” (V.Giang, Ð.D.)

-----------------------------

Phạm Đỗ Chí
January 4, 2017

*
January 11, 2017




No comments:

Post a Comment

View My Stats