Sunday 15 January 2017

MỸ : DONALD TRUMP TẤN CÔNG THẦN TƯỢNG DA ĐEN JOHN LEWIS (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 15-01-2017

Tổng thống tân cử Mỹ không dung thứ một hành động chỉ trích nào. Nạn nhân mới nhất là dân biểu John Lewis, bạn đồng hành của cố mục sư Luther King, lãnh đạo phong trào tranh đấu bất bạo động của người Mỹ da đen. Đáp trả lời tuyên bố của John Lewis từ chối tham dự lễ tuyên thệ của người « đắc cử nhờ tin tặc », ông Donald Trump tung một loạt ba thông điệp trên mạng xã hội nhưng bị hàng loạt nghị sĩ Dân chủ và Cộng hoà lên án.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường thuật :

Một lần nữa Donald Trump sử dụng vũ khí sở trường. Trên tài khoản Twitter, tổng thống tân cử Mỹ bắn một loạt đạn nhắm vào John Lewis, dân biểu của đảng Dân chủ, thành phố Atlanta, bang Georgia : « Dân biểu John Lewis nên sử dụng thời giờ để chăm lo cho đơn vị của ông ta, đang ở trong một tình trạng bi đát và tan rã, chưa kể tình trạng phạm tội ác, hơn là lo than phiền vô ý thức về kết quả bầu cử. Toàn là lời nói, lời nói. Không hành động. Không kết quả. Buồn ». Sau hai loạt đạn này, ông Trump bắn thêm một phát thứ ba vào tối thứ bảy.

Phản ứng của Donald Trump đã gây một làn sóng phản đối, trên mạng xã hội cũng như từ giới dân cử, ủng hộ John Lewis, khuôn mặt tiêu biểu của phong trào tranh đấu cho quyền công dân người Mỹ da đen trong thập niên 1960.

Trên đầu của dân biểu John Lewis vẫn còn vết thẹo, chứng tích bị cảnh sát đánh bằng dùi cui trong một cuộc biểu tình trên cầu Edmund-Pettus năm 1965.

Lời lẽ nặng nề của Donald Trump không giúp cho tổng thống tân cử lên uy tín trong cộng đồng da đen. Cộng đồng này đã bắt đầu biểu tình từ hôm thứ Bảy (14/01) tại Washington dưới cơn mưa tầm tã.

---------------------

January 13, 2017


Dân Biểu John Lewis. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

WASHINGTON, DC (NV) – Dân Biểu John Lewis (Dân Chủ-Georgia), nhà hoạt động dân quyền nổi hàng đầu của Mỹ, và cùng thời với Tiến Sĩ Martin Luther King, nói rằng ông không thấy Tổng Thống Ðắc Cử Donald Trump là tổng tư lệnh “hợp pháp” theo sau vụ tin tặc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

“Tôi không thấy tổng thống đắc cử này là một tổng thống hợp pháp,” ông nói với nhà báo Chuck Todd, người dẫn chương trình “Meet the Press” của đài NBC, trong một đoạn video được tung ra hôm Thứ Sáu. “Tôi nghĩ, người Nga tham dự vào việc giúp người đàn ông này đắc cử. Và họ đã giúp hủy hoại cuộc vận động của bà Hillary Clinton.”

Dân Biểu Lewis được coi là một chính trị gia lão thành trong đảng, đặc biệt đối với cử tri cao niên gốc Châu Phi, vì họ biết ông trong thời kỳ ông lãnh đạo cuộc tuần hành “Blood Sunday” phản đối kỳ thị chủng tộc tại Alabama hồi năm 1965.

Năm 1986, ông đắc cử dân biểu Hoa Kỳ.

Ông dự định không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vào tuần tới, và nói rằng đây sẽ là lần đầu tiên ông không dự một buổi lễ như vậy kể từ khi trở thành dân biểu liên bang.
“Quý vị không thể cảm thấy thoải mái khi có một cái gì đó mình cảm thấy sai,” ông Lewis nói.

Theo CNN, ngay cả các phụ tá của bà Clinton trước đây cũng ngại ngùng, không bao giờ dám dùng từ này, vì muốn tránh bị người khác đánh giá là ông Trump có phải là tổng thống “hợp pháp” hay không.

Chỉ có một số ít người thuộc đảng Dân Chủ không hài lòng với kết quả bầu cử, thắc mắc tính hợp pháp của cuộc bầu cử như ông Lewis.

Khi được nhà báo Jake Tapper hỏi trên chương trình “The Lead” của đài CNN là ông Trump có phải là tổng thống hợp pháp hay không, Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) nói “chắc chắn rồi.”

“Chúng ta phải tiếp tục cuộc sống thôi,” ông Manchin nói. “Chúng ta phải đoàn kết quốc gia này lại.”
Các cơ quan tình báo Mỹ, trong một bản báo cáo, kết luận rằng người Nga, dưới sự chỉ đạo của Tổng Thống Vladimir Putin, tìm cách ảnh hưởng cuộc bầu cử và giúp ông Trump, một tuyên bố mà ông mạnh mẽ bác bỏ.

Tuy nhiên, sau khi được xem các báo cáo tình báo này, trong cuộc họp báo tại Trump Tower hôm Thứ Tư, ông Trump nói: “Tôi nghĩ người Nga có can thiệp vào bầu cử, và có cả các nước khác nữa.” (Ð.D.)

--------------------

January 14, 2017

Cố Mục Sư Martin Luther King (giữa) lãnh đạo cuộc tuần hành từ Selma đến Montgomery đòi quyền bỏ phiếu cho người Mỹ gốc Phi Châu. Dân Biểu John Lewis ở phía ngoài, bên trái. (Hình: Twitter/Rep. Mark Takano)

WASHINGTON DC (NV) – Dân Biểu Mark Takano (Dân Chủ-California) hôm Thứ Bảy 14 Tháng Giêng nói, sẽ không dự lễ đăng quang của ông Donald Trump vào tuần tới, sau khi tổng thống tân cử mắng Dân Biểu John Lewis (Dân Chủ-Georgia), người nổi bật trong Phong Trào Dân Quyền.

Theo trang mạng The Hill, ông Trump hôm Thứ Bảy vào trang mạng xã hội Twitter báng bổ ông Lewis vì nói ông Trump không phải là “một tổng thống hợp pháp.”

Một trong những tweet của ông Trump viết: “Dân Biểu John Lewis nên dành thêm thì giờ để lo chỉnh đốn lại và giúp đỡ trong địa hạt của mình, nơi quá bệ rạc (chưa nói là tội ác tràn lan), thay vì phê phán giả dối về kết quả của cuộc bầu cử. Toàn là nói, nói, nói, mà chả có làm gì hay mang lại kết quả nào cả. Đáng buồn thay!”

Lời tấn công của ông Trump gặp ngay phản ứng ngược từ nhiều dân cử đảng Dân Chủ cũng như từ Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska), người nhắc nhở rằng ông Lewis từng đóng vai trò nổi bật trong Phong Trào Dân Quyền.

Hôm Thứ Sáu 13 Tháng Giêng, phát biểu trong cuộc phỏng vấn của đài NBC News, ông Lewis nói: “Tôi tin vào sự khoan dung. Tôi tin vào nỗ lực tìm cách cùng làm việc với người khác. Điều đó khó. Điều đó sẽ rất khó. Tôi không xem tổng thống tân cử này là tổng thống hợp pháp.”

Theo CNN, số dân cử đảng Dân Chủ tẩy chay buổi lễ nhậm chức của ông Trump ngày mỗi nhiều thêm, đặc biệt sau khi có tiết lộ về hành động xen vào cuộc bầu cử của Nga, và việc ông Trump mắng mỏ ông Lewis.

Ngoài hai dân biểu Takano và Lewis, những dân cử đảng Dân Chủ khác còn có, các bà Yvette Clarke (New York), Nydia Velazquez (New York), Barbara Lee (California), Katherine Clark (Massachusetts); các ông, Ted Lieu (California), Raul Grijalva (Arizona), John Conyers (Michigan), Mark DeSaulnier (California), Kurt Schrader (Oregon), William Lacy Clay, Jose Serrano (New York), Luis Gutierrez (Illinois), Jared Huffman (California), và Earl Blumenauer (Oregon). (TP)




No comments:

Post a Comment

View My Stats