Wednesday 19 October 2016

NGƯỜI MỸ CÓ "TRỞ VỀ" CAM RANH ? (Phạm Chí Dũng)




19.10.2016

Đầu tháng 10/2016, cùng với hình ảnh gương mặt tươi cười rất chuyên nghiệp của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius với tuyên bố “Quan hệ Mỹ - Việt chưa bao giờ tốt đẹp như thế”, báo chí nhà nước Việt Nam bất chợt được bật đèn xanh đưa tin “tàu ngầm USS Frank Cable và khu trục hạm USS John S. McCain đã ghé thăm Cam Ranh hôm 2/10, như một phần của các hoạt động giao lưu giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam”.

Chỉ ít ngày sau đó, với phong cách chuyên nghiệp, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam”, trước câu hỏi của báo chí “Liệu người Nga có trở lại Cam Ranh?”. Người phát ngôn Lê Hải Bình đã không xác nhận mà cũng chẳng phủ nhận khả năng này.

THÁNG 10 13, 2016

‘Mỹ về Cam Ranh’

Tàu chiến Mỹ hiện diện ở quân cảng Cam Ranh là một sự kiện quân sự rất đặc biệt vì chỉ diễn ra lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ cách đây 21 năm (1995), và cũng là lần đầu tiên từ năm 1975.

Như vậy, phải mất đến 4 năm kể từ năm 2012 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến thăm Cam Ranh kể từ sau chiến tranh Việt Nam và tuyên bố “Mỹ mong muốn có mặt ở Cam Ranh”, tàu chiến Mỹ mới xuất hiện tại quân cảng có tiềm năng khống chế gần hết Biển Đông.

Cũng phải mất đến 3 năm kể từ tháng 4/2013 khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu có hoạt động “giao lưu hải quân” đầu tiên ở Đà Nẵng, người Mỹ mới tiến thêm được 400 cây số đến cảng Cam Ranh.

Ngay trước chuyến công du Việt Nam tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ Obama, phía Mỹ đã có hoạt động hỗ trợ Việt Nam phòng chống thiên tai tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, đó chỉ là Đà Nẵng mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến Cam Ranh.

Cũng phải mất đến 2 năm kể từ khi Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tỏ ý muốn hỗ trợ hải quân Việt Nam, sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào Biển Đông như vào chốn không người, giới chức chính trị và quân sự Việt Nam mới “tạm chấp nhận” để kẻ thù cũ vào Cam Ranh giúp mình, ít ra trên phương diện đi ra đi vào để “làm vì” trước tham vọng độc chiếm “ao nhà” của Trung Nam Hải.

Có lẽ vài ẩn giấu nào đó từ chuyến công du Việt Nam tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ bắt đầu có cơ hội để lộ diện.

‘Thỏa thuận ngầm’

Sự kiện Tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016 đã khiến dư luận ngỡ ngàng hoặc kinh ngạc. Nhiều tin tức khẳng định rằng giữa Mỹ và Việt Nam hẳn đã đạt được một “thỏa thuận ngầm” nào đó liên quan đến số phận của quân cảng Cam Ranh.

Hồi tháng 7/2016, lại xuất hiện tin tức Việt Nam bất ngờ đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa. Cho dù không một cơ quan hoặc tờ báo nào của chính quyền Việt Nam xác nhận sự việc này, nhưng cũng chẳng thấy ai phản đối. Thậm chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, khác hẳn với phong thái bị coi là “rụt cổ” trước đây, còn lần đầu tiên “lên giọng” về “Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền của mình”.

Gần đây, liên tiếp các tàu chiến Pháp, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ đã cập cảng Cam Ranh. Hồi đầu năm 2016, thậm chí giữa Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi Đà Nẵng đến 4 ngày.

Nhật Bản lại là đồng minh của Mỹ.

Đang diễn ra những động thái đáng chú ý về quân sự giữa Việt Nam với những nước đồng minh của Mỹ, và cả với Mỹ. Những động thái này lại diễn ra cùng với lời tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Mỹ sẽ không thay đổi chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, cho dù tổng thống mới của Mỹ là ai sau cuộc bầu cử ngày 8/11 tới.

Bầu không khí “giao lưu Việt - Mỹ” dường như đang trở lại nửa cuối năm 2013. Vào năm ấy, nửa năm đầu lắng đọng đã được khơi mở bằng sự kiện vài tàu chiến của Mỹ “giao lưu hải quân” ở Đà Nẵng, sau đó đến cuộc gặp Obama - Trương Tấn Sang tại Washington vào tháng Bảy. Gần cuối năm 2013 là chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong đó có lặp lại đề nghị của Mỹ về vấn đề Cam Ranh.

Trong suốt một thời gian dài, chính thể và giới quân sự Việt Nam thúc thủ với Sách trắng “Ba không”, trong đó có việc không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Ngay cả sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn cố gắng đu dây đến chừng nào chưa bị lộn ngược, còn Cam Ranh lại được mang ra như một mồi nhử để tạo thành thế kình chống lẫn nhau giữa các cường quốc, bao gồm cả Nga.

Trước và sau Đại hội XII của đảng vào tháng 1/2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã một vài lần đi thăm Nga. Tuy nhiên kết quả không hề mỹ mãn. Mối quan tâm của Vladimir Putin là những vấn đề địa chính trị ở nơi khác chứ không hẳn là Việt Nam cùng Cam Ranh.

Chỉ còn lại người Mỹ cùng mối quan tâm đặc biệt không giấu giếm đối với Cam Ranh. Và trong tình thế “thù trong giặc ngoài” đang công chiếu như một bộ phim chưa kịp lồng tiếng ở Việt Nam, chỉ có Mỹ mới có thể trở thành đối trọng quân sự với Bắc Kinh.

‘Mồi nhử’

Tháng 10/2016, Ted Osius tươi cười rất chuyên nghiệp trong một cuộc nói chuyện và thảo luận về chủ đề “Vietnam-USA : A New Journey” (Việt Nam - Hoa Kỳ : Một hành trình mới) ở Washington. Ông nói Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và sẽ không có âm mưu lật đổ chính phủ, vì trong quá khứ việc làm như thế đã đưa đến thất bại cho người Mỹ và Hoa Kỳ muốn thấy một nước Việt Nam phát triển và thịnh vượng, vì đó là điều đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ.

Khi Giáo sư Peter Zinoman thuộc khoa sử của Đại học Berkeley đặt câu hỏi về sự kiện một số người hoạt động xã hội dân sự bị ngăn cản không cho đến gặp Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016, Đại sứ Osius nói rằng trước khi những nhà hoạt động xã hội dân sự đến gặp Tổng thống Obama, ông được giới chức Việt Nam bảo đảm rằng những người được mời sẽ không có ai bị cấm cản đến gặp tổng thống, nhưng giờ chót đã có 3 trong số 9 người được mời không thể đến.

Ông Osius đã chẳng giải thích thêm. Cũng như phía Mỹ chỉ lên tiếng yếu ớt đến khó hiểu trước vụ khách mời của tổng thống Mỹ bị công an Việt Nam “gô cổ”.

Nhưng cùng lúc với sự kiện 2 tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh, hãng tin Anh Reuters trích dẫn các hãng thông tấn Nga cho biết: Thứ trưởng quốc phòng Nga Nicolai Pankov vào ngày 7/10/2016 xác nhận ý định của Moscow muốn mở lại các căn cứ quân sự cũ tại Việt Nam và Cuba. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng.

Nga đã đóng cửa căn cứ tình báo điện tử tại Lourdes ở Cuba và căn cứ hải quân Cam Ranh ở Việt Nam trong những năm 2000, trong khuôn khổ kế hoạch giảm bớt sự hiện diện quân sự của Nga trên thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ.

Cuộc đua tay ba của Mỹ, Nga và cả Trung Quốc để sở hữu Cam Ranh ngày càng lộ diện trong ý đồ đu dây của Việt Nam. Về thực chất, toan tính tủn mủn của giới lãnh đạo Việt chỉ có thể lộ ra ở kế sách dùng Cam Ranh làm “mồi nhử”.

Thế nhưng vạn vật không thể bất biến. Chẳng ai có thể đu dây mãi, hoặc đến một ngày nào đó khi người đồng chí vàng Bắc Kinh đột nhiên trở mặt hùng hổ chuẩn bị tấn công Việt Nam, giới chóp bu Hà Nội sẽ phải rũ người khẩn cầu Moscow hoặc Washington để “thế mạng” tại Cam Ranh.

Nhưng lại quá ít hy vọng để người Nga, một đồng minh mới nổi của Trung Quốc, tự chui đầu vào rọ như thế…

Trong khi đó, một dấu hỏi vẫn đang chờ được giải mã là liệu sự kiện 2 tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh vào tháng 10/2016 có liên quan gì đến T1 - cơ quan tình báo mới có nhiệm vụ tình báo hàng hải mà Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thành lập vào giữa năm nay và được phía Mỹ hỗ trợ hơn 40 triệu USD?

----------------
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats