Thursday 31 October 2013

CHUYỆN HỘ KHẨU CỦA TRUNG QUỐC… (FB Manh Kim)




1-11-2013

Tại Hội nghị trung ương lần thứ ba Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc (ngày 9 đến 12-11-2013), vấn đề nhức nhối hộ khẩu được tin là một trong những trọng tâm sẽ được bàn…

Trung Quốc và vấn đề hộ khẩu

Hộ khẩu tại Trung Quốc (bắt đầu áp dụng từ năm 1953) thật sự là một “ác mộng” của nhiều người, đặc biệt thành phần nhập cư. Không hộ khẩu, đừng mơ xin cho con đi học, không thể mua xe, không thể sắm nhà và thậm chí không thể xin cấp bằng lái. Chính sách kiểm soát cư trú theo mô hình hộ khẩu vô hình trung đã tạo ra hai tầng lớp – thị dân và cư dân miền quê, ảnh hưởng từ đời này sang đời kia (bởi rằng dù sinh tại bất cứ đâu, em bé cũng phải theo hộ khẩu bố mẹ).

Từ giữa năm 2001, Trung Quốc bắt đầu thực hiện vài cuộc cải cách hộ khẩu nhỏ; thoạt đầu thí điểm tại 200 thị trấn-thành phố nhỏ và sau đó được áp dụng rộng cho nhiều tỉnh lớn trong đó có Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, An Huy, Tứ Xuyên và Hồ Bắc; rồi được nhân rộng (từ năm 2005) tại một số thành phố trong đó có Thạch Gia Trang (Hồ Bắc), Hợp Phì (An Huy), Ninh Ba (Chiết Giang), Tế Nam (Sơn Đông), Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải. Tuy nhiên, do chưa thật sự “đoạn tuyệt” với hộ khẩu cũng như nhiều qui định liên quan hộ khẩu nên tiến trình cải cách hộ khẩu Trung Quốc vẫn không hiệu quả. Một khảo sát năm 2007 của giáo sư Thái Định Kiếm thuộc Đại học luật-chính trị Trung Quốc (thực hiện tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Vũ Hán, Nam Kinh, Thẩm Dương, Tây An, Thành Đô, Trịnh Châu, Thanh Đảo…) vẫn cho thấy, vấn đề hộ khẩu tiếp tục là rào cản lớn đối với bình đẳng xã hội.

Trung Quốc có lý do “chính đáng” để chưa thật sự cởi hết qui định quản lý cư trú bằng luật hộ khẩu. Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2007 của Liên Hiệp Quốc cho biết 18 triệu dân Trung Quốc đang đổ vào các thành phố lớn mỗi năm; đến năm 2030, theo đánh giá mới nhất của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), số dân thành thị Trung Quốc sẽ lên đến hơn 900 triệu người! Cho nên, nhiều thành phố lớn nằm trong diện cải cách hộ khẩu vẫn có những qui định riêng nhằm hạn chế nhập hộ khẩu. Cư dân từ nơi khác muốn đạt tiêu chuẩn nhập hộ khẩu Bắc Kinh phải thuộc đối tượng có trình độ chuyên môn cao hoặc doanh nghiệp có từ 100 nhân viên trở lên. Trong khi đó, vài thành phố khác hạn chế nhập hộ khẩu bằng cách chỉ cho nhập đối với đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các thị trấn giáp giới tỉnh thành mình. Nói chung là mỗi địa phương có chính sách riêng cho vấn đề nhập hộ khẩu.

Có nhiều cách để kiểm soát cư trú

Cần tách bạch sự khác biệt giữa vấn đề kiểm soát-hạn chế nhập cư và vấn đề quản lý cư trú. Tại Nhật chẳng hạn, người ta theo dõi hệ thống nhân khẩu bằng sổ gia đình (koseki), dùng để ghi nhiều thông tin liên quan gia đình chẳng hạn khai sinh, khai tử, kết hôn, ly dị và cả tiền án hình sự. Song song với koseki là jyuminhyou – tờ khai cư trú. Jyuminhyou được dùng theo dõi hồ sơ thuế cũng như được xem là “tờ chứng thực” việc công dân được quyền hưởng các tiện ích công cộng như phúc lợi xã hội hoặc bảo hiểm y tế quốc gia (jyuminhyou chỉ dành cho người Nhật nên nếu người nước ngoài kết hôn với người Nhật sẽ được đăng ký trong một tờ khai riêng theo Luật đăng ký cư trú dành cho người nước ngoài). Bất cứ khi nào chuyển địa chỉ cư trú, người dân cũng phải khai báo. Từ năm 2000, Nhật bắt đầu áp dụng hệ thống Juki Net (vi tính hóa) để quản lý kho jyuminhyou và tờ jyuminhyou gần như xóa sổ. Tuy nhiên, không như Trung Quốc, jyuminhyou thuần túy là công cụ quản lý-theo dõi cư trú, không được dùng cho nhiều qui định ăn theo.

Quản lý cư trú theo số An sinh Xã hội (Social Security Number, SSN) của Mỹ cũng là mô hình đáng được tham khảo. Cần nhấn mạnh, SSN được cấp cho người tạm trú lẫn cư trú ổn định; người quốc tịch Mỹ lẫn người nước ngoài sống tại Mỹ. Ở một nơi không hề có thẻ căn cước và hộ khẩu như Mỹ, SSN có thể được xem là hình thức quản lý nhất cử lưỡng tiện (vừa là chứng minh thư vừa là hộ khẩu). Đây có thể xem là một trong những hệ thống quản lý cư trú ổn định nhất xã hội Mỹ. Gần như tất cả những gì liên quan đời sống người dân đều “gắn bó mật thiết” với SSN – số SSN được ghi trong bảng lương, hồ sơ sinh viên đại học, hồ sơ thẻ tín dụng, bằng lái xe… Người đăng ký có thể xin tờ khai SSN tại bất cứ văn phòng An sinh Xã hội nào ở khắp Mỹ, thậm chí đăng ký ngay trên mạng, tại website Cơ quan An sinh Xã hội Hoa Kỳ (ssa.gov). Cùng bằng lái xe, thẻ SSN hoặc thông hành, bất kỳ công dân Mỹ hoặc người ngoại quốc nào sống tại Mỹ cũng được giám sát chặt chẽ. Và cũng xin nhấn mạnh, SSN chẳng là sáng kiến quản lý cư trú thời hiện đại. Từ năm 1936, mô hình này đã được Chính phủ Mỹ áp dụng!

Trung Quốc: xóa hộ khẩu hay là chết!

Trở lại với Trung Quốc. Ở thời mà sự chuyển dịch (lực lượng lao động) là một trong những đặc tính lớn nhất của nền kinh tế và là xu hướng không thể cưỡng lại (bằng bất cứ hình thức nào, kể cả hạn chế vấn đề nhập hộ khẩu!), việc cố duy trì quản lý cư trú bằng hộ khẩu hẳn nhiên là không hiệu quả và thiết thực. Điều đó càng trở nên nghiêm trọng bởi thực tế rằng hộ khẩu không chỉ dùng để kiểm soát cư trú mà còn có nhiều ràng buộc pháp lý dây mơ rễ má dính dáng đến nó.

Sự hiện diện của nó đã khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng. Theo The Diplomat (11-10-2013), ghi nhận của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2012 cho thấy, lương tháng trung bình của công nhân nhập cư là 2.290 tệ so với 3.897 tệ của dân có hộ khẩu, trong khi dân nhập cư phải tiết kiệm nhiều hơn (1/2 thu nhập) do không được hưởng chính sách ưu đãi an sinh. Đó là chưa kể vô số tiêu cực nảy sinh. Tờ chính thống Global Times (24-10-2013) thuật rằng có trường hợp phải chi đến 720.000 tệ (khoảng 118.000 USD!) để “chạy” hộ khẩu thành phố Bắc Kinh, nơi vẫn tiếp tục “siết” hộ khẩu bằng… “hạn ngạch”: trong 229.000 sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các đại học tại Bắc Kinh năm nay, có 145.000 là dân tỉnh; trong khi đó, “quota” hộ khẩu Bắc Kinh chỉ có 10.000. Tình hình càng éo le hơn đối với các cậu cử nhiều hơn 24 tuổi (tuổi tối đa được xét hộ khẩu đối với dân tỉnh). Với nghiên cứu sinh (gốc tỉnh), tuổi qui định là 27 và với tiến sĩ là 35.

Một khảo sát 2011 cho biết, chỉ 0,7% dân nhập cư Trung Quốc là đủ khả năng mua nhà tại thành phố họ sống (so với 60-80% đối với dân hộ khẩu địa phương của cùng tỉnh thành). Do đó, nếu ràng buộc yếu tố “có nhà ở ổn định hợp pháp” (cùng điều kiện “có việc làm hợp pháp ổn định”), như qui định của Thượng Hải vào tháng 7-2013, hầu hết dân nhập cư không bao giờ có thể được xét nhập hộ khẩu. Trong khi đó, việc xem dân nhập cư như một thứ “của nợ” vẫn là tư duy phổ biến của nhiều chính quyền. Năm 2008, Bạch Cảnh Phú, lúc đó là thứ trưởng Bộ công an, còn nói: “Bắc Kinh có gần 20 triệu dân rồi. Làm sao gồng thêm nổi 20 triệu nữa?” (The Economic Observer 7-10-2013). Thật ra thì vấn đề nằm ở chỗ khác chứ không phải tài chính. Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Trần Chân Dung (Đại học Washington), chuyên gia đô thị hóa và di cư của Liên Hiệp Quốc, đánh giá rằng nếu Trung Quốc kiên quyết cải tổ hộ khẩu trong 15 năm tới, chi phí hàng năm cũng bằng 1/5 số tiền mà họ đổ vào Thế vận hội 2008.

Như đã nói, chỉ cần thay đổi tư duy về quản lý và kiểm soát con người, vấn đề hộ khẩu của Trung Quốc sẽ được giải quyết. Lịch sử văn minh nhân loại đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần với bao nhiêu quốc gia và thành phố được đô thị hóa mà gần như chẳng hề lưu lại vết tích của một thứ “sổ con người” quái đản tương tự. Nếu Trung Quốc không xử lý, đến năm 2030, 900 triệu người nhập cư (như dự báo), những kẻ sống gần như bất hợp pháp ngay trên đất nước họ, chịu bao nhiêu bất công uất nghẹn nặng nề, sẽ trở thành một lực lượng tức nước vỡ bờ mà chắc chắn không nhà nước nào đủ sức chống lại!


No comments:

Post a Comment

View My Stats